Thứ tư, 08/02/2012, 20:34 GMT+7
Văn hóa độc đáo, chi phí sinh hoạt rẻ là "điểm cộng" khiến teen lựa chọn hướng du học này.
“Du học hiếm” – Dòng chảy mới
Thay vì tìm đến các quốc gia kinh tế phát triển thuộc “top đầu” về giáo dục đào tạo như Mỹ, Anh, Pháp, Úc, Singapore… nhiều teen lại lựa chọn một số nước Đông Nam Á, Mỹ La tinh làm điểm dừng chân du học. Đây là xu hướng “du học hiếm” khá mới mẻ và dần trở nên thông dụng.
Tốt nghiệp THPT, Thanh Huyền chọn Tây Ban Nha làm điểm dừng chân dù cô nàng ẵm được học bổng của một số nước “có giá” hơn. Huyền kể: “Bạn bè bảo mình dại khi từ chối học bổng Singapore. Nhưng vì thích khám phá những miền đất lạ, nên mình đã chọn quê hương của những chú bò tót để nâng cao học vấn”.
Giải mã sức hút du học hiếm
Hay như Phan Tuấn Nghĩa (SV năm nhất, ĐH Bách Khoa Hà Nội), ngôi trường mà Nghĩa “đầu quân” để tiếp tục học tập là Học viện Công nghệ Thông tin châu Á Thái Bình Dương (Malaysia). “Điều kiện học tập ở Malaysia tốt vì nhiều trường đại học ở nước này đều liên kết, hợp tác đào tạo với các đại học nổi tiếng trên thế giới, cấp bằng đạt tiêu chuẩn quốc tế" - Anh chàng giải thích.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục Malaysia, năm 2005, đã có khoảng 500 sinh viên Việt Nam sang nước này du học. Sau 5 năm, con số này tăng lên gần gấp ba. Ở một số quốc gia “hiếm hơn” như Ả-rập-xê-út, Mexico, Iran... lượng sinh viên Việt dao động khoảng 50 người. Điều đó cho thấy, "du học hiếm" đang ngày càng được giới trẻ quan tâm.
Hiếm nhưng ngày càng... "hút"
Văn hóa độc đáo, lôi cuốn của châu Mỹ La tinh hay các quốc gia Đông Nam Á là một trong những lý do thu hút dân 8X, 9X.
Thanh Huyền bộc bạch: “Ngay từ khi ngồi trên ghế giảng đường, mình đã mơ một ngày được đặt chân đến Tây Ban Nha. Phần vì mình rất thích ngôn ngữ, văn học của đất nước này. Phần vì văn hóa của xứ sở bò tót khá đặc trưng, đặc biệt là vũ điệu Flamenco nổi tiếng".
Trong khi đó, chi phí trang trải cho việc học ở các nước như Hoa Kỳ, Anh Quốc khá đắt đỏ, còn ở những nước Đông Nam Á hay châu Mỹ La Tinh, học phí và giá cả sinh hoạt lại rẻ hơn rất nhiều. Trung bình, một du học sinh tại Úc phải trả từ 13.000 - 20.000 USD/năm trình độ cử nhân. Nhưng cũng với số tiền này, bạn có thể sử dụng trong suốt 3-4 năm đại học ở Indonesia, Malaysia...
Với 5.000 -7.000 USD/năm, bạn cũng có thể chi tiêu một cách thoải mái cho những nhu cầu học tập và sinh hoạt ở Nam Phi. Đó là chưa kể đến một số quốc gia còn miễn phí 50-100% học phí đối với sinh viên quốc tế như Ai Cập, Phần Lan. Vì thế, đối với những gia đình điều kiện tài chính hạn chế, muốn con cái đi du học, các nước “hiếm” trở thành điểm đến đầy hữu ích.
Môi trường, không gian sinh hoạt của các nước Đông Nam Á, Mỹ La tinh…cũng được đánh giá cao. Sinh viên quốc tế tại các trường Thái Lan được học tập và làm việc theo mô hình như một số nước châu Âu. Sau khi hoàn thành bậc cao đẳng, cử nhân, bạn có thể học cao lên tại Anh, Mỹ, Úc…
Ở Nam Phi, sinh viên có thể lựa chọn nhiều chuyên ngành khác nhau hoặc rút ngắn thời gian học của mình nhưng chất lượng vẫn rất bảo đảm. Hay như trường Đại học Quốc tế President (Indonesia) – nơi thu hút đông đảo sinh viên châu Á là cái nôi đào tạo nhiều chính khách, nguyên thủ quốc gia nổi tiếng thế giới.
Tương lai rộng mở
Trong khi không ít người ngoài cuộc tỏ ý nghi ngờ về cơ hội nghề nghiệp mà du học hiếm đem lại, thì những người trong cuộc lại rất lạc quan. Nguyễn Huyền bộc bạch: “Học tiếng Tây Ban Nha xong, cơ hội việc làm luôn rộng mở. Bộ Công an, Đại sứ quán, Ban Đối ngoại các tỉnh, thành phố lớn… hàng năm đều tuyển sinh viên chuyên ngành Tây Ban Nha và sinh viên du học nước này. Nếu như với tiếng Anh, bạn phải là ứng viên xuất sắc mới được nhà tuyển dụng để ý do yếu tố cạnh tranh, thì chỉ cần tấm bằng cử nhân Tây Ban Nha hạng khá, cơ hội trúng tuyển là rất lớn”.
Bên cạnh đó, Việt Nam đang đẩy mạnh hợp tác với các quốc gia trong khu vực cũng như châu Phi, châu Mỹ, nên du học tại các nước “hiếm” sẽ là một lợi thế.
Nếu bạn đang lưỡng lự chọn một điểm đến du học, sao không thử tìm hiểu những cơ hội vàng này nhỉ!
Nguồn tin: Tiin