Thứ tư, 07/12/2011, 19:54 GMT+7
Giành độc lập từ năm 1965, là một quốc gia nghèo tài nguyên, đến nguồn nước sạch cũng phải nhập khẩu. Ý thức được điều này, quốc đảo sư tử luôn chú trọng tới việc trọng dụng nguồn nhân tài để đưa đất nước cất cánh.
Cựu Thủ tướng Goh Chok Tong - nguyên Bộ trưởng cao cấp trong Chính phủ đã ví Singapore như một con thuyền buồm đang vượt biển lớn cùng những "đại kình ngư" Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ. Vậy nên, "thành công hay không phụ thuộc vào những thủy thủ" - ông Goh khẳng định.
Đảm bảo quyền lợi
Chính phủ Singapore luôn đặt ưu tiên phát triển quyền con người trong các tổ chức; đảm bảo mọi người làm việc luôn bình đẳng, tạo thuận lợi cho người lao động phát huy tối đa tài năng của mình đồng thời cũng có nhiều chế độ ưu đãi cho họ. Thời gian làm việc cố định trong tuần là 40 giờ. Những khoản thù lao làm thêm cũng được quan tâm đầy đủ. Ngoài ra, tạo điều kiện cho họ nghỉ ngơi khi cần thiết.
Nhà nước cũng quy định, các đơn vị, tổ chức phải trả lương hàng tháng cho các nhân viên vào một ngày nhất định.
Thực chất, trả lương cao là biện pháp không chỉ có một mình Singaporeáp dụng. Tuy nhiên, điểm khác biệt ở chỗ, Singapore có hẳn một chính sách rõ ràng để thực hiện điều này.
Các Bộ trưởng Singapore có mức lương cao hơn tất cả các Bộ trưởng ở những quốc gia giàu có nhất hành tinh. Ấy vậy nhưng năm ngoái, Thủ tướng Lý Hiển Long vẫn quyết định tăng lương cho các Bộ trưởng, sao cho mức lương đó phải bằng mức lương của 6 người đứng đầu các ngành nghề trong khối tư nhân. Tạo ra sự yên tâm cho lãnh đạo, một phần chính sách này muốn hạn chế nạn tham nhũng, minh bạch hóa chính phủ, đồng thời tạo đà cho các Bộ trưởng dành hết tâm sức cho công việc quản lý hoạch định chính sách.
Ở Mỹ, lương của Tổng thống là 400.000 USD. Ở Anh, lương của Thủ tướng là 368.655 USD, lương của các Bộ trưởng trong khoảng 196.000-268.000 USD. Trong khi đó, lương của Thủ tướng Lý Hiển Long là 2,05 triệu USD/năm. Hiện tại, mức lương của Thủ tướng và các Bộ trưởng vẫn có khả năng tăng cao hơn con số 1,26 triệu USD.
Đầu tư, trợ cấp giáo dục
Singaporecó đội ngũ lao động cấp cao hàng đầu thế giới. Sở dĩ nói như vậy vì những người này tạo ra năng suất vô cùng lớn, thành thạo về chuyên môn, kĩ thuật và có thái độ làm việc tích cực. Nhưng để có được điều này, Singapore đã phải liên tục đầu tư vào việc đào tạo cả một thế hệ thông qua con đường giáo dục.
Singapore cũng xác định giáo dục là một kênh hữu hiệu thu hút du học sinh nước ngoài. Chính vì vậy, ngoài cải tiến hệ thống giáo dục, Singaporecũng có chế độ đãi ngộ thỏa đáng cho các giáo sư, tiến sĩ.
Hiện tại, du học sinh đến Singapore là rất lớn và nước này cũng là một trong những trung tâm đào tạo uy tín của thế giới. Có thể kể đến các trường đại học danh tiếng như Công nghệ Nanyang (NTU), Học viện phát triển quản lý Singapore (MDIS), Đại học Quốc gia Singapore (NUS)...
Sinh viên nước ngoài đến học tập tại Singapore cũng được vay tiền để chi trả cho những chi phí cần thiết về sinh hoạt và học tập. Sau khi tốt nghiệp với kết quả học tập cao, những cử nhân "ngoại" này phải cam kết làm việc cho một Cty nào đó của Singapore ít nhất là 3 năm để trả nợ.
Tạo niềm tin cho người tài
Biệt đãi người tài không chưa đủ, mà cần tạo niềm tin ở nơi họ là phương châm đối với các nhà lãnh đạo Singapo. Những người tài ngoài thu nhập, nhu cầu được cống hiến, được tôn trọng và được vinh danh là rất lớn.
Thực tê, quản lý bộ máy đất nước Singapore cho thấy, những người đứng đầu đất nước Singapore hiện nay đều là những người rất giỏi. Bản thân ông Lý Quang Diệu - Thủ tướng đầu tiên của quốc đảo tốt nghiệp ngành luật tại trường đại học danh tiếng Cambridge. Cựu Thủ tướng Goh Chok Tong cũng tốt nghiệp trườngWilliams College, Mỹ, về chuyên ngành Phát triển kinh tế. Đương kim Thủ tướng Lý Hiển Long cũng tốt nghiệp trường Đại học Cambridge của Anh về ngành toán và vi tính. Sau đó ông Lý Hiển Long còn tham gia học về ngành Hành chính công tại Đại học Harvard - Mỹ.
Các Bộ trưởng Singapore cũng đều tốt nghiệp các trường đại học nổi tiếng tầm cỡ thế giới. Ông Lý Quang Diệu có quan điểm rất rõ ràng: Lãnh đạo giỏi là đầu tầu định hướng cho đất nước phát triển, nên không thể “thăng quan tiến chức” nhờ quan hệ “cửa trước, cửa sau” hay sẵn sàng ngã giá để “mua danh bán tước”. Ông nhấn mạnh: "Lãnh đạo dốt sẽ ngáng chân những người giỏi, không cho họ ngồi vào những vị trí quan trọng". Ở Singapore, những người tài thực sự được coi là thịt, là da đắp vào bộ khung lãnh đạo quốc gia.
Yeo Cheow Tong - Bộ trưởng Truyền thông và Thông tin của nước này từng nhận xét, Singapore đang tham gia vào “cuộc chiến toàn cầu để giành giật nhân tài". Đặc biệt, cách đây gần 9 năm, ngày 21/8/1999, cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu còn khẳng định trên tờ Straits Times Weekly rằng: "Nhân tài nước ngoài là chìa khoá bước tới tương lai", chính vì thế, "các Cty cần các nhân tài hàng đầu để cạnh tranh trên toàn cầu".
Theo Diễn đàn doanh nghiệp