TP Hồ Chí Minh
0906 710 608 - 
0906 720 608

TP Đà Nẵng
0905.756.099

Ngôn ngữ

Năm Đầu Tiên Tại James Madison University (2)

Thứ ba, 06/12/2011, 19:45 GMT+7

alt

Sau một năm theo chương trình Dự bị Đại học dành cho chuyên ngành kinh doanh, tôi học được rất nhiều thứ không những về kiến thức chuyên môn lẫn phổ thông mà còn về ước mơ và hiểu thêm về cá tính của mình. Hồi nhỏ tôi rất thích học Toán và vẽ. Nhưng theo xu hướng chọn nghề “Khinh thương bất phú” (của các nước châu Á)[1], tôi đã từ bỏ sở thích của mình để chọn ngành học tài chính tại James Madi­son 

 Thế nhưng, nhờ sự động viên và giúp đỡ của giáo sư Toán-Ramon Mata­tora Toledo( khoa Com­puter Sci­ence), tôi đã quyết định tiếp tục theo đuổi niềm đam mê của mình. Vẫn giữ thói quen học tập năng động và sáng tạo thời học tại trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa[2], tôi tạo được sự quan tâm của các giáo sư tại James Madi­son, họ luôn lắng nghe, động viên và cởi mở để tiếp nhận ý tưởng mới lạ của sinh viên cho dù có khi ý tưởng đó chỉ mới “chạm” vào vấn đề đưa ra. Vì nhận ra được niềm đam mê môn Toán và kiến thức vững vàng (vì được trang bị ở Việt Nam), tôi được giáo sư chuyển qua học lớp toán cao hơn dành cho khối khoa học kĩ thuật và đề nghị học bằng kép toán và tài chính. Lúc đầu tôi cũng còn e dè vì nếu học quá nhiều như vậy thì sẽ ảnh hưởng tới kết quả học tập và kéo dài thời gian học đại học, như vậy cũng đồng nghĩa là chi phí sẽ tăng lên. Thế nhưng giáo sư đã dẫn tôi đến gặp chuyên viên tư vấn ngành học và các sinh viên khoá trước học bằng kép để học hỏi kinh nghiệm 

altRồi thầy rủ tôi đi ăn trưa, lúc đang ở trứng gà thì thầy hỏi tôi: “Chuyện gì sẽ xảy ra với chú gà nằm bên trong quả trứng nếu nó sợ sệt không thoát ra khỏi vỏ trứng, điều gì sẽ xảy ra với con kén nếu nó không phá đi cái vỏ xấu xí để hoá thành con bướm xinh đẹp. Cuối cùng thầy nói với tôi “Where there is a will, there is a way. I believe you can do it. Tell me what you are still afraid of”. Và câu trả lời của tôi là “Noth­ing, sir. I can do it”. Thế là tôi quyết định học hai chuyên ngành, và vào học kì hai thầy đã xin cho tôi học lớp MATH 236, như thế học kì sau tôi đã học sáu môn học (các sinh viên Dự bị Đại học học chuyên ngành kinh doanh chỉ học năm môn một học kì), tôi rất vui và phấn khởi tuy nhiên cũng phải nỗ lực rất nhiều để duy trì kết quả học tập tốt. Vào học kì hai thì tôi cũng nhận được đề nghị viết những chương trình giải toán bằng thuật toán hiện đại Math­e­mat­ica. Giáo sư đã ưu tiên cho tôi học và nghiên cứu trong văn phòng của ông cùng với một sinh viên thạc sĩ ngành Com­puter Science.

Các giáo sư tại trường không những quan tâm đến việc học của sinh viên mà còn đến cuộc sống của chúng tôi. Vào các ngày cuối tuần, các thầy cô thường mời các sinh viên đến nhà họ ăn trưa và ăn tối. Lớp chúng tôi thì may mắn được đến nhà hai giáo sư Toán và Logic học, đều này giúp chúng tôi hiểu thêm về văn hoá nước Mĩ, phong cách dự tiệc cũng như trên bàn ăn, và quan trọng là tạo sự thân thiện gần gũi giữa giáo sư và học sinh, từ đó giúp chúng tôi thêm mạnh dạn trong lớp và phấn đấu học tập. Đối với tôi, ngày lễ Tạ ơn, thật sự là sẽ rất lạnh lẽo trong những ngày đông nơi xứ người[3], nếu không được giáo sư Toán cho tôi tá túc. Giáo sư đã chỉ dẫn cho tôi những con đường mà sinh viên Toán có thể đi sau khi tốt nghiệp và kể cho tôi nghe rất nhiều câu chuyện về toán học, và gia đình giáo sư cũng đối xử với tôi như con cháu trong nhà. Điều này an ủi tôi rất nhiều trong những ngày gia đình Mĩ đoàn tụ còn sinh viên quốc tế chúng tôi thì bơ vơ một mình.

Đó là câu chuyện về các giáo sư, còn về cuộc sống sinh viên của chúng tôi với nhau thì sao? Vì cùng là sinh viên quốc tế, nên chúng tôi cũng giúp đỡ nhau rất nhiều. Nỗi nhớ nhà cũng vơi đi rất nhiều khi chúng tôi cùng chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống và những nét riêng về văn hoá của đất nước chúng tôi. Tôi vẫn nhớ những tối thứ bảy cùng ăn tối với các bạn Saudi Ara­bia với món cơm Kabab do các bạn tự nấu. Nếu như không chia sẻ gắn bó với họ thì suốt đời này tôi vẫn giữ mãi trong suy nghĩ của mình định kiến rằng tất cả người Hồi giáo đều là những tên điên vì đạo, những tên khủng bố đáng sợ mà không nhận ra những vẻ đẹp trong tính cách con người họ, đó là sự nhiệt tình, tốt bụng và thẳng thắn. Họ là những người anh em tốt, sẵn sàng nghỉ học để đưa bạn mình đến bệnh viện khi bạn bị cảm nặng hay trật chân. So với người châu Á chúng ta thì họ hồn nhiên và thân thiện hơn nhiều. Trong lớp thì chúng tôi lập ra hội năm người bạn thân gồm có Nhật Bản, Việt Nam, Mali, Saudi Ara­bia. Chúng tôi luôn giúp đỡ nhau trong việc học cũng như cuộc sống và chia sẽ những niềm vui cũng như nỗi buồn, cùng nhau làm các bài tập nhóm và cùng thức ôn bài với nhau mỗi kì thi cuối kì, cùng nhau đá banh, chơi bóng rổ và tham gia các buổi tiệc. Ngoài ra tại James Madi­son, hội học sinh Việt Nam cũng rất đoàn kết giúp đỡ nhau rất nhiều và tự tổ chức đi du lịch lên các thành phố khác (như kì nghỉ xuân vừa rồi chúng tôi có lên thăm Wash­ing­ton DC tham quan các phố cổ ở đấy, cùng ăn tối tại một quán ăn bên bờ sông Potomac và đi mua đồ giảm giá ở thành phố Leesburg).

________________________________________
[1] Hầu hết các bạn học người Trung Quốc, Thái Lan, và nhất là Việt Nam chúng ta đều chọn các ngành liên quan đến kinh doanh, dù khi được hỏi họ có biết gì về kinh doanh hay vì sao chọn ngành này thì câu trả lời đều là “quyết định của cha mẹ” Tôi có quen biết 56 người bạn Trung Quốc tại James Madi­son thì 49 bạn học về Finance, Account­ing, 5 bạn còn lại học IT, chỉ có 1 bạn học về nghệ thuật, và 1 bạn còn lại học về công nghệ sinh học.

[2] Khi đi du học tôi mới thật sự biết ơn các thầy cô ở trường Trần Đại Nghĩa đã dạy cho chúng tôi phong cách học năng động, cởi mở, luôn mạnh dạn nói ra những ý tưởng của mình.

[3] Vào các ngày lễ, kí túc xá trường đóng cửa nên sinh viên quốc tế phải dọn ra ngoài trong những ngày đó. Hiện đang có những đề nghị lên trường mở cửa các kí túc xá vào những ngày đó cho sinh viên quốc tế có nơi ở. 


Người viết : Admin

Giới hạn tin theo ngày :