Thứ hai, 14/05/2012, 21:04 GMT+7
Được 5 trường đại học hàng đầu của Mỹ trải thảm đỏ mời nhập học, trong đó có Harvard... chị í là Tôn Nữ Hà Anh!
Gần đây, trong lần liên hệ với bố Tôn Hà Anh để biết tình hình học tập của Hà Anh, kỹ sư Tôn Đức Thế cho biết: Kết thúc học kỳ đầu tiên, cả 4 môn học Hà Anh đạt toàn điểm A. Sau đó vài ngày, gia đình Hà Anh đón hai vị khách đặc biệt là vợ chồng Giáo sư - Tiến sĩ Chris Maltas, giảng viên Đại học Harvard khi họ đến Việt Nam. Đây là lần đầu tiên vợ chồng GS.TS Chris Maltas du lịch tới Việt Nam. GS.TS Carolynn Maltas cho biết, trước khi đến đây, họ đã tới tham quan Văn Miếu - Quốc tử Giám, trường đại học đầu tiên của Việt Nam được thành lập cách đây gần 10 thế kỷ. “Truyền thống học tập của Việt Nam có một bề dày, đó chính là điều khiến chúng tôi hiểu vì sao đất nước các bạn luôn có những học sinh xuất sắc”- bà Carolynn chia sẻ.
Khi được nhận học bổng đặc biệt của Harvard, Hà Anh nằm trong số ít sinh viên được giảng viên của trường đi đón.
Trước đó, khi tiếp cận với hồ sơ nhập trường của Hà Anh, GS.TS Carolynn Maltas đã rất ấn tượng với bảng thành tích học tập cùng những hoạt động xã hội của chị í trong thời gian học tại trường St. Andrew’s.
GS.TS Carolynn đặc biệt thích bài luận văn cuối kỳ của Hà Anh viết về cuốn sách Hãy để thế giới quay (Let the great world spin), trong đó tập trung vào biểu tượng “đi giữa hai tòa tháp đôi” nổi tiếng của Mỹ.
Sau khi mô tả đan xen giữa lịch sử và văn học sự kiện sụp đổ tòa tháp đôi cùng sự khủng hoảng kinh tế hiện nay, Hà Anh rút ra bài học nhân văn: “Khi tòa nhà này đổ sẽ có tòa nhà khác mọc lên, thế hệ này đi qua sẽ có thế hệ khác đến. Vì vậy cần giữ vững niềm tin vào đất nước và cùng vượt qua khó khăn”.
Trước đó sau khi đọc bài luận này, một thầy giáo kỳ cựu của trường St. Andrew’s đã thốt lên: “Đọc bài của em khiến tôi thực sự sốc. Em đã đặt ra những điều mà tôi chưa hề nghĩ đến”.
Tháng 8 năm ngoái, Hà Anh đến Harvard, vợ chồng GS.TS Chris Maltas đón chị í tại sân bay theo hẹn. “Chẳng khó khăn lắm chúng tôi đã nhận ra Hà Anh khi cô mặc áo đỏ có in chữ Harvard trước ngực. Chúng tôi giúp Hà Anh đẩy hành lý ra xe và đưa chị í về tận trường. Hôm sau, chúng tôi đưa Hà Anh đi tham quan trường và hướng dẫn những điều cần thiết trong quá trình học tập tại đây” - Bà Carolynn kể.
Đánh giá về kết quả học tập trong học kỳ đầu của Hà Anh, bà Carolynn cho biết: “Nhiều sinh viên ở Harvard nói rằng, theo học ở đây đừng nói đến điểm A, ngay cả đến loại C cũng không dễ chút nào. Vì vậy mà việc khổ luyện, miệt mài học tập của sinh viên tại đây đã trở thành phong trào”.
Nhà vợ chồng GS.TS Chris Maltas cách trường Harvard gần 2km. Do quý mến cô sinh viên Việt Nam đam mê học tập giống như họ thời trẻ, hàng tuần vợ chồng GS.TS Chris Maltas thường mời Hà Anh đến nhà ăn tối. Hà Anh chia sẻ: “Qua tiếp xúc, mình có dịp hiểu biết thêm về tâm lý học, lịch sử mỹ thuật cũng như nền văn hóa các nước mà hai giảng viên đã đi qua. Nhân dịp này, mình cũng giới thiệu về vẻ đẹp đất nước, con người Việt Nam và mời vợ chồng giáo sư đến Việt Nam chơi. Vợ chồng giáo sư hứa sẽ thực hiện ngay khi có dịp”.
Dự bữa cơm thân mật tại gia đình Hà Anh, vợ chồng GS.TS Chris Maltas dùng đũa khá thành thạo. Họ cho biết mình biết sử dụng đũa là trong quá trình đi du lịch, nhưng sử dụng được như hiện nay là từ những lần ăn tối với Hà Anh. Vợ chồng giáo sư thích món ăn của Việt Nam, đặc biệt là nem và phở do gia đình Hà Anh làm hôm đó.
Sau khi về nước, họ mời Hà Anh đến nhà và kể về niềm vui có được nhờ chuyến du lịch đến Việt Nam. Và hôm đó, chẳng biết học từ khi nào mà vợ chồng GS.TS Chris Maltas đã mời Hà Anh món phở Việt Nam trước sự ngạc nhiên của cô học trò.
Được học các giáo sư hàng đầu thế giới
Năm đầu tiên tại Harvard, sinh viên tập trung học đại cương và tìm ngành học phù hợp với khả năng cũng như sở thích bản thân. Hà Anh đã tận dụng năm học này để tìm hiểu các ngành học khác nhau, và may mắn được các giáo sư hàng đầu giảng dạy. Đơn cử như môn kinh tế vi mô, người giảng dạy là giáo sư Nicholas Mankiw, một trong những nhà kinh tế học hàng đầu của thế giới, từng là Chủ tịch Hội đồng cố vấn Kinh tế của Tổng thống Goerge Bush và hiện tại là cố vấn kinh tế của ứng cử viên tổng thống đảng Cộng hòa của Hoa Kỳ năm 2012 Mitt Romney.
Hà Anh theo học môn Tâm lý học của giáo sư Daniel Gilbert, nhà tâm lý xã hội và là tác giả của một trong những cuốn sách bán chạy nhất thế giới với tiêu đề Vấp vào hạnh phúc (Stumbling on Happiness)...
Các lĩnh vực đang học đã cho Hà Anh một cuộc tiếp xúc, trải nghiệm đặc biệt. Chị í chia sẻ, tháng 2 vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã dẫn đầu Đoàn công tác đến thăm và làm việc tại Hoa Kỳ, đồng thời tham gia Chương trình Lãnh đạo Quản lý cao cấp Việt Nam (VELP) tại Đại học Harvard
Trong thời gian tham dự chương trình, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã có buổi nói chuyện với các sinh viên, cựu sinh viên Việt Nam đang học tập, làm việc tại vùng Boston mở rộng (trong đó có Đại học Harvard) đúng vào dịp thành lập Hội thanh niên, sinh viên Việt Nam tại khu vực này.
Tại cuộc gặp, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh khẳng định nước ta đang rất cần nhân lực chất lượng cao nên những người được đào tạo và từng làm việc ở nước ngoài khi về nước đều có vị trí xứng đáng. Sau đó, Hà Anh còn vinh dự được mời với tư cách là sinh viên duy nhất bậc đại học của trường Harvard tham dự bữa tối khép lại Chương trình VELP.
Chị í chia sẻ: “Tại cuộc gặp này, mình được nghe các giáo sư của Harvard bày tỏ ấn tượng đối với phong cách làm việc nghiêm túc của đoàn Việt Nam khi tham gia Chương trình VELP. Nhân dịp này, mình có cơ hội được gặp và nói chuyện với một số thành viên Chính phủ ta, qua đó hiểu biết thêm về tình hình và các chính sách của đất nước, đồng thời chia sẻ về cuộc sống của sinh viên Harvard và lưu học sinh Việt Nam tại Boston”.
“Được gặp Đoàn Việt Nam tham dự Chương trình VELP tại Harvard, em thấy rất tự hào mình là người Việt Nam. Đó là khoảnh khắc ấn tượng mà mình không thể nào quên”- Hà Anh tâm sự.
Qua hơn một học kỳ tại Harvard, điều Hà Anh ấn tượng nhất là sinh viên ở đây học tập rất nhiệt huyết và đam mê. Thư viện hoạt động 24/24, ban đêm đi qua các dãy bàn học sẽ thấy cả chăn và thuốc đánh răng vì luôn có sinh viên ở tại đây để học bài. Có sinh viên chỉ kịp ra ghế salon nằm chợp mắt một chút rồi đánh răng, rửa mặt ngay tại thư viện và tiếp tục học. Đến những lúc cao điểm như mùa thi thì thư viện không có đủ chỗ cho sinh viên. Nói như vậy không có nghĩa sinh viên Harvard chỉ biết học như những con mọt sách, mà họ luôn tận dụng thời gian để học cách làm thế nào để đi sâu nghiên cứu các lĩnh vực khác nhau. |