Chủ nhật, 13/11/2011, 20:22 GMT+7
Theo niên giám về khả năng cạnh tranh toàn cầu 2010, Malaysia giữ vị trí thứ tư về mức ngân sách dành cho giáo dục so với Tổng thu nhập quốc nội (GDP), vượt xa cả Thái Lan, giữ vị trí 32 và Singapore xếp thứ 53, trong khi Philippines và Indonesia đứng hàng thứ 56 và 57.
Thứ trưởng Bộ giáo dục nước này Wee Ka Siong cho biết trong ba năm qua, chính phủ đã chi trung bình 3.354 ringgit (1.118 USD) cho mỗi học sinh tiểu học và khoảng 4.039 ringgit (1.348 USD) cho mỗi học sinh trung học mỗi năm.
Năm nay, Bộ Giáo dục đã được chính phủ cấp 37 tỉ ringgit (12,3 tỉ USD), trong đó 30,9 tỉ ringgti (10,3 tỉ USD) cho các mục đích quản lý, và 6,1 tỉ ringgit (2,03 tỉ USD) còn lại dành cho phát triển.
Vị trí thứ tư trong bảng xếp hạng này của Malaysia phản ánh cam kết thực sự của chính phủ muốn tạo ra một nguồn nhân lực có sức cạnh tranh, có tay nghề và có tri thức nhằm đảm bảo rằng đất nước sẽ đạt được mục tiêu trở thành nước phát triển vào năm 2020.
Mục đích chính của Malaysia là tạo được một nguồn nhân lực không chỉ có thể góp phần xây dựng đất nước mà còn có thể vượt trội trên trường quốc tế.
Mỗi năm, chính phủ đã cấp khoảng 9.100 ringgit (3.033 USD) tiền phí thi cử, tiền tiêu vặt và nhà ở cho mỗi sinh viên. Bên cạnh đó, các sinh viên còn được hưởng 22 hình thức hỗ trợ tài chính khác trị giá tới một tỷ USD.
Đối với bậc mầm non, Malaysia cũng đã đạt được thành tựu đáng gây ấn tượng với việc thu hút tới 80% trẻ nhỏ tới trường. Ngành mầm non đã đặt chỉ tiêu trong năm tới thu hút được 87% trẻ em tới lớp.
Theo vietnam