TP Hồ Chí Minh
0906 710 608 - 
0906 720 608

TP Đà Nẵng
0905.756.099

Ngôn ngữ

Làm sao để có một bài luận đạt điểm cao?

Thứ hai, 26/03/2012, 21:14 GMT+7

Bài luận thường có ảnh hưởng lớn trong kết quả đánh giá của sinh viên ở các môn học, khóa học. Nhưng hầu như du học sinh nào cũng sẽ lo lắng về kỹ năng viết luận của mình.

 1. Đặt câu hỏi: Bài luận là gì?

Sai. Câu hỏi đúng phải là: “Tại sao phải viết luận?”

Viết luận là cơ hội thể hiện ý tưởng và quan điểm của mình (không phải ai cũng được quyền nói ra những gì mình nghĩ), và để rèn luyện kỹ năng tổ chức và phân tích (rất cần thiết cho cuộc sống sau này).

2. Đề bài

Đọc thật kỹ đề bài, gạch dưới những từ chính, đọc lại đề bài, nhấn giọng ở những từ chính (hay gạch dưới những từ chính lần thứ hai), đọc kỹ đề bài, đọc thật kỹ, đọc… thật… kỹ…

3. Đọc

Đừng nghĩ tôi lạc đề vì bài đang về kỹ năng viết, sao lại xuất hiện kỹ năng đọc? Không đâu, bởi vì đọc là giai đoạn rất quan trọng trước khi viết – không có đọc thì không có viết. Vì vậy, vấn đề ở giai đoạn này trở thành “làm sao đọc có hiệu quả.”

Đọc có mục đích. Ban đầu, nhiều bạn nghĩ cầm cuốn nào lên cũng đọc đầy đủ, thừa còn hơn thiếu, đọc càng nhiều càng tốt. Nhưng đó là sai lầm to, vì có thể chưa thấy “tốt” đâu đã đến hạn nộp bài. Vì vậy, hãy đọc chọn lọc!

Bắt đầu đọc thật sớm. Thường mỗi môn học, đề bài viết được cho ngay từ tuần đầu tiên, cùng với danh mục sách cần đọc của môn.

Ghi chú khi đọc. Trước tiên, ghi chú tên tác giả, tên sách, nhà xuất bản, năm xuất bản, cứ như thể bạn sẽ gõ nó trong phần sách tham khảo ở mỗi bài viết. Sau đó thì ghi chú những nội dung khác tuỳ thích.

4. Viết

Hoá ra cái giai đoạn mà bạn tưởng là đầu tiên lại nằm tít dưới này.

Out­line. Đừng bao giờ viết mà không có out­line! Nếu muốn, thì cứ viết không có out­line, nhưng đừng bao giờ hỏi tại sao điểm thấp. Out­line là gì? Out­line là bộ xương của bài, như cơ thể con người vậy, thịt có thể đẹp, nhưng xương không vững thì đừng mong đi đứng gì được.

Bộ xương của mỗi bài luận gồm 3 phần: mở bài, thân bài, kết luận. Mở bài chiếm khoảng 7–8% toàn bộ bài, kết luận 12–15%, còn lại là thân bài. Phần mở bài,  bạn nhất thiết phải nói rõ mình định làm gì trong bài, nghĩa là lặp lại máy móc hay sáng tạo cái đề bài, kèm theo miêu tả bài văn sẽ gồm phần một nói về cái này, phần hai nói về cái kia, phần ba nói về cái nọ… Phần kết luận sẽ hao hao anh em cột chèo với phần mở bài, cũng lặp lại cái đề bài, tóm tắt lại những gì mình đã nói.

Phần khó nhất là phần thân bài. Đây là phần liên quan mật thiết đến phần kỹ năng đọc ở trên. Nhờ đã đọc, đã ghi chép, đã suy nghĩ, bạn mới có thể biết mình sẽ viết những gì.

Bạn hãy tóm lại những gì đã đọc được một cách có chọn lọc, ý tưởng nào thừa thãi thì bỏ đi, đừng tham lam. Các nhóm ý tưởng sẽ là phần thân bài. Nhưng bạn phải nhớ là ý tưởng này là từ quyển sách nào nhảy ra và ghi rõ, đừng dại dột nghĩ rằng đó là ý tưởng của mình và phạm phải lỗi lầm to lớn nhất đời sinh viên là đạo văn.

Ngôn ngữ. Ngôn ngữ dùng trong các bài luận thật đáng chán, nghiêm túc và cứng nhắc, không thể nào du dương, bay bổng. Biết sao được, nó vốn là vậy. Từ ngữ là da thịt của bài, đắp lên bộ xương đã có. Da thịt cũng cần đẹp, nhưng thông thường cứ theo đúng 3 phương châm sau là được, nghiêm túc (không viết tắt, không tiếng lóng, không văn nói), rõ ràng (ý của tôi là vầy, tôi muốn nói đúng cái ý này chứ không phải ý kia), mạch lạc (câu sau của tôi liên quan đến câu trước, đoạn sau của tôi liên quan đến đoạn trước, cả bài của tôi là một khối thống nhất).

5. Kiểm tra

Sau khi viết xong, nếu còn thời gian, bạn nên đọc lại và kiểm tra lỗi chính tả, ngữ pháp, lập luận… Còn thời gian nữa thì hãy nhờ bạn bè, những người có kinh nghiệm trong khoản viết luận đọc giúp và góp ý.


Người viết : Admin

Giới hạn tin theo ngày :