TP Hồ Chí Minh
0906 710 608 - 
0906 720 608

TP Đà Nẵng
0905.756.099

Ngôn ngữ

Giấc mơ Mỹ của tôi

Thứ hai, 12/12/2011, 01:17 GMT+7

Ngày tôi đi tuyên thệ thành công dân Mỹ chính là một ngày đặc biệt. Không phải vì những lợi ích mà quốc gia này mang lại mà chính là sự gắn kết giữa tôi và đất nước này.

Sáng nay ngủ dậy, tôi với tay sang kệ sách bên giường nắm vội quyển Silent Honor của Daniel Steel. Lần đầu tiên tôi đọc truyện của nhà văn này là khi tôi khoảng 22 tuổi.

Mất khoảng gần 5 năm tôi mới đọc đến quyển thứ hai của bà ấy cho dù tôi có cả một bộ sưu tập nhiều tác phẩm của Daniel Steel trong đợt đi hội chợ tại Ohio vài năm trước.

Quyển sách nói về một gia đình Nhật nơi mà ba người phụ nữ trong gia đình: bà, mẹ và con gái đều mang dáng dấp, hành động đậm chất truyền thống. Từ cách cúi lạy, từ cách ngồi quỳ, từng lời nói, cử chỉ quan tâm đều rất Nhật Bản. Riêng người bố lại là một giảng viên đại học với đầu óc cầu tiến, tư tưởng tiến bộ dành cho vợ và con gái mình. Người bố làm việc cả đời để cho con gái mình được đi du học ở một đất nước phương tây tiến bộ, để được đặt "giấc mơ Mỹ" lên vai đứa con gái nhút nhát, đậm chất truyền thống phụ nữ Á Đông của mình.

Cô bé 18 tuổi ấy không hề muốn đi xa nhà, xa gia đình và chiếc áo kimono thường trực trong trang phục hàng ngày. Điều duy nhất khiến cô bé chấp nhận để bước chân sang một thế giới hoàn toàn mới là chỉ vì muốn vâng lời bố mình. Tôi đọc về giấc mơ Mỹ, giấc mơ về một xã hội hiện đại ấy, về hình ảnh người cha, người mẹ cả đời dành dụm trong câu chuyện ấy. Tôi cảm thấy như có một điều gì đó kết nối giữa câu chuyện của tôi và nhiều bạn trẻ quanh tôi.


Bố tôi sinh ra trong một gia đình nghèo khó, cái nghèo bởi do thiên tai, lũ lụt. Cái nghèo đeo theo nhiều thế hệ khi mọi công sức mà người ta xây dựng trôi theo một cơn lũ cũng đủ để trắng tay. Những đứa trẻ trong ngôi làng ấy hiếm khi học xong lớp 9, lớp 10 chứ nói chi đến việc thành bác sĩ, kĩ sư. Với cái khát vọng được vượt lên sự nghèo khó, ba tôi giữ trong mình một ý chí lớn, một hoài bão lớn lao nơi bom đạn, nơi sự sống và cái chết chỉ trong gang tấc vẫn không thể làm mai một được cái khát khao được đi học, được thành công ấy.

Bố tôi thành bác sĩ sau nhiều năm tháng gian lao và vất vả. Bố mẹ tôi lao động, bằng ý chí, bằng sự cần kiệm để có được ngày hôm nay. Khi kinh tế không còn là mối lo hàng đầu, bố mẹ tôi không ngại đầu tư cho con cái được học hành đầy đủ, được đi đây đi đó để mở mang đầu óc. Đời cha mẹ vất vả âu chỉ là cho đời con cái mình được tốt đẹp hơn.

Tôi nhớ khi tôi chỉ vừa tròn vài tháng tuổi, bố mẹ tôi đã cho tôi đi ngược trong Nam ngoài Bắc. Những mùa hè của chị em tôi luôn gắn liền với những hành trình khám phá mọi miền đất nước. Khi việc đi nước ngoài du lịch trở thành niềm mơ ước của nhiều người, rằng nhiều bậc cha mẹ thà để tiền đó để mua xe cộ, để sắm trang sức thì bố mẹ tôi lại không ngần ngại chi ra cho chị em tôi được biết thêm về thế giới. Tôi tự tin ở mỗi nơi tôi đến cho dù ở nơi đó có là nơi xa xỉ hay là những nơi mà một thứ gì đó nhỏ nhặt cũng là thứ quá xa xỉ với nhiều người. Tôi có thể hòa nhập với bất cứ môi trường nào cũng là nhờ bởi sự yêu thương và hy sinh hết mình của bố mẹ.

Tôi và em gái đi nhiều và được thấy được nhiều sự khác biệt. Chính điều đó tạo nên cho chúng tôi những suy nghĩ chính chắn về giá trị của cuộc sống. Đi nhiều khiến cho tầm nhìn được mở rộng, khiến cho suy nghĩ ngày một thấu đáo và hiểu biết hơn. Mỗi chuyến đi chính là một trải nghiệm quý giá nơi mà mỗi con người tôi gặp dạy tôi rất nhiều điều về cách xử sự trong cuộc sống. Có lẽ ngoài tình yêu thương vô điều kiện thì việc cho chúng tôi cơ hội được trau dồi kiến thức, được nhìn, được cảm nhận thế giới bằng những trải nghiệm của riêng mình. Đó là món quà quý giá nhất tôi nhận được từ bố mẹ.

Ngày tôi đi tuyên thệ thành công dân Mỹ chính là một ngày đặc biệt. Không phải vì những lợi ích mà quốc gia này mang lại mà chính là sự gắn kết giữa tôi và đất nước này. Bốn năm qua là những năm đáng nhớ nhất của cuộc đời tôi. Môi trường mới mang đến nhiều thay đổi mới, những người bạn, những chập chững, những bỡ ngỡ, những điều gì đó tự dưng bỗng trở nên quen thuộc. Bốn năm qua tôi và nơi đây đã trở thành bạn. Bốn năm của những rong ruổi trên nhiều miền đất khác nhau. Bốn năm của thử thách, của những cố gắng, của một công việc đầy hứa hẹn, một ngôi nhà vững chắc tràn ngập yêu thương vô điều kiện.

Tôi yêu nước Mỹ, tôi yêu những con người đã xuất hiện trong cuộc sống của tôi trong 4 năm qua. Tôi yêu từng vùng đất tôi đi qua, những điều mới lạ tôi được trải nghiệm, những người bạn đến từ nhiều nền văn hóa khác nhau, những món ăn, những phong tục. Tôi thích cách sống lạc quan của người Mỹ, về sự hảo tâm của họ đối với những mảnh đời khác nhau trong cộng đồng. Tôi thích cách họ giúp đỡ lẫn nhau, khích lệ và động viên nhau để thể hiện khả năng của họ. Cơ hội đi cùng với thử thách để khẳng định mình, rằng đỉnh cao của sự vinh quang chính là niềm tin và giá trị của lao động.

Tôi tự hào vì chưa một lần dè bỉu, miệt thị hay chê bai hai quốc gia mà tôi yêu quý. Quốc gia nào cũng có cái tốt và cái xấu của nó. Đừng bao giờ quay lưng với nơi đã sản sinh ra mình, nuôi lớn mình và tạo nên mình ngày hôm nay. Mỹ và Việt Nam chính là ngôi nhà chung của tôi: một nơi tôi sinh ra và một nơi tôi sống những năm tháng tôi trưởng thành. Việc tôi thành công dân Mỹ chính là một niềm tự hào vì tôi sẵn sàng đón nhận nó hơn bất cứ lúc nào khác. Đó là tình yêu, nghĩa vụ và sự cống hiến cho quốc gia mình đang sống. Ở trong tôi luôn tồn tại hai nửa yêu thương Việt-Mỹ vì nếu thiếu một trong hai thì cuộc đời tôi sẽ không được viên mãn như hiện tại. Tôi vẫn mang trong mình dòng máu Việt, những giá trị Việt mà tôi tự nhủ mình và những thế hệ sau nữa phải giữ gìn.

Buổi lễ diễn ra rất xúc động khi mỗi người tham gia mang đến một câu chuyện của riêng họ trong hành trình chinh phục giấc mơ Mỹ. Câu chuyện của tôi bắt đầu từ những giọt nước mắt chảy trên vai người bạn đời khi phải lìa xa Sài Gòn. Câu chuyện lại tiếp tục với giây phút bố định cạnh con gái, tin tưởng trao tay cho người đàn ông sẽ đi cùng con mình trong suốt quãng đời còn lại.

Là những giọt nước mắt hạnh phúc khi sống trọn vẹn trong tình yêu thương của gia đình mới của mình, của lòng tin yêu của ba mẹ.

Là những giọt nước mắt tự hào của giây phút khi tay phải tôi đặt lên trái tim mình....để biết rằng chính từ phút giây này đây, tôi sẽ có thêm một quê hương nữa để yêu thương.

Hồng Ngọc

Theo VNE


Người viết : Admin

Giới hạn tin theo ngày :