Thứ năm, 09/08/2012, 02:19 GMT+7
Học tập dưới bất kì hình thức nào đều là một sự đầu tư cho tri thức. Với sự phát triển chóng mặt của nền kinh tế thị trường, với sự hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, tri thức thực sự là sức mạnh, là vũ khí sắc bén để con người nắm bắt cơ hội, phát triển sự nghiệp của mình.
Xét riêng trong thị trường việc làm, một thực tế là những người sở hữu hàm lượng tri thức cao có thể thoát khỏi cảnh lao động chân tay, được trả lương hấp dẫn hơn, có cơ hội lọt vào mắt nhà tuyển dụng nhiều hơn so với những người khác. Đối với sinh viên du học, sau khi tốt nghiệp trở về nước, hành trang họ mang theo không chỉ đơn thuần là tấm bằng mà còn là ngoại ngữ và những kĩ năng mềm cần thiết cho môi trường làm việc. Nếu nói như vậy, chúng ta có thể kết luận được rằng: Cứ là du học sinh thì bạn sẽ có cơ hội nghề nghiệp nhiều hơn những người khác không?
Dưới đây, HKPS EDU xin điểm qua một vài trường hợp với những việc làm sau khi hoàn thành khóa học để các bạn có thể tự đưa ra câu trả lời cho mình.
Đầu tiên là Thọ. Thọ là một học sinh giỏi, từng đạt nhiều danh hiệu học sinh giỏi tỉnh và quốc gia. Đi du học Singapore với học bổng 70%, Thọ có cơ hội được học hai thứ tiếng song song: Tiếng Trung và Tiếng anh. Bạn bè nói rằng: Thọ không cần phải đi du học thì cũng có biết bao nhiêu công ty tại Việt Nam muốn mở rộng cánh cửa đón Thọ vào làm việc rồi, chưa kể Thọ lại có thời gian tích lũy bên nước ngoài. Sự thực đúng là như vậy. Ngay khi Thọ hoàn thành năm thứ 3 đại học, Thọ đã được nhận làm part-time tại một công ty chuyên về các thực phẩm đa chức năng tại Singapore với mức lương 600 SGD/tháng. Có lẽ, nhiều bạn sẽ cho rằng mức đó cũng bình thường nhưng với Thọ mà nói, đó thực sự là một mức lương đáng mơ ước với một sinh viên vẫn còn dang dở học tập.
Không giỏi nổi bật như Thọ, Giang là một học sinh chuyên Anh và cũng không được gắn bất kì “mác” học sinh giỏi tỉnh hay quốc gia. Một lợi thế duy nhất mà Giang có là vốn ngoại ngữ khá “đỉnh”. Tuy nhiên, Giang cũng không giành được bất kì suất học bổng nào khi đi du học Mỹ. Học cử nhân ngành kế toán, một ngành khá khó đối với một sinh viên theo ban D như Giang, cậu học trò nỗ lực ngày đêm, hạ quyết tâm chinh phục tấm bằng cử nhân trong thời gian sớm nhất. Ngoài giờ học, Giang cũng xin làm thêm về móng theo lời giới thiệu của một người bạn Việt Nam. Vừa học vừa làm, Giang cũng giảm được chi phí trong học tập. Quan trọng hơn, từ khi đi làm về móng, Giang lại bắt đầu yêu nghề và cũng hiểu nghề. Ngay sau khi ra trường, Giang đã thử sức với rất nhiều các công ty tuyển dụng tại Mỹ. Sau những thất bại nhỏ, Giang đã đạt được thành công lớn nhờ vào kinh nghiệm làm móng của mình. Trải qua rất nhiều vòng phỏng vấn, Giang đã được nhận vào làm kế toán tại công ty lớn chuyên về chăm sóc sắc đẹp tại Mỹ. Không nói cụ thể về mức lương, Giang chỉ nhấn mạnh: “Với một sinh viên mới ra trường, mức lương ở đây thực sự chỉ có trong mơ”.
Cuối cùng, đó là câu chuyện về một cô gái yêu nghề sư phạm, Hoa nuôi mơ ước trở thành một giáo viên tiếng Anh. Tuy nhiên, ai cũng biết một thực tế là sinh viên sư phạm sau khi ra trường rất khó xin việc nếu các bạn muốn làm đúng nghề. Hoa hiểu được điều đó nhưng Hoa quyết tâm vẫn theo đúng nghề và tìm cách “thâm nhập” vào “thị trường” nghề giáo. Sau khi tốt nghiệp đại học sư phạm, đại học quốc gia Hà Nội, Hoa sang Mỹ học 1 năm về nghiệp vụ sự phạm. Với kiến thức nền vốn có cộng thêm thời gian đào tạo bên Mỹ, khi trở về Hoa đã được nhận làm giáo viên tại trường chuyên ở quê nhà. Lý do khiến Hoa được nhận vào trường là vì Hoa sở hữu vốn tiếng Anh tốt, cách phát âm chuẩn, tự nhiên và phong cách giảng dạy hấp dẫn, rất “Tây”. Thêm vào đó, Hoa chấp nhận mức lương khởi điểm dành cho một giáo viên mới vào nghề, không yêu cầu quá “hậu hĩnh”. So với bạn bè, lương của Hoa không được tính theo USD nhưng Hoa rất thỏa mãn với công việc của mình bởi đó là mơ ước của Hoa từ thưở nhỏ.
Bên cạnh những nhân vật kể trên, không ít những du học sinh cũng “vật vã” tìm việc trong thời kì khủng hoảng như những sinh viên khác mà thôi. Lý do tại sao? Rõ ràng, nếu bạn không quyết tâm học và chỉ coi du học là một thời gian du lịch, trải nghiệm cho vui thì dù bạn du học hết nước này đến nước khác thì cơ hội của bạn cũng mỏng manh như những người khác, hoặc tồi tệ hơn rất nhiều. Ngược lại, nếu bạn thực sự muốn học, thực sự muốn làm giàu tri thức của mình để phục vụ cho nghề nghiệp tương lai, bạn sẽ không phải lo rằng mình sẽ phải “đứng đường” bởi ít nhất thì sau khi đi học, bạn có vốn tiếng Anh tốt, một công cụ hữu hiệu để hoàn thành mọi công việc trong thời kì hội nhập.