TP Hồ Chí Minh
0906 710 608 - 
0906 720 608

TP Đà Nẵng
0905.756.099

Ngôn ngữ

Du học sinh "hẫng" ở trời Tây

Thứ ba, 22/11/2011, 23:39 GMT+7

Không ai nghĩ việc đi du học có thể khiến cho một sinh viên từ năng động, tự tin bỗng trở nên rụt rè, nhút nhát. Thực tế thì hiện tượng này vẫn xảy ra với một số bạn trẻ khi bước ra ngưỡng cửa quốc tế.

Khó khăn khi hòa nhập môi trường mới

Minh vốn là một sinh viên giỏi và vì thế, cậu dễ dàng tìm được một suất học bổng đi du học bậc thạc sĩ tại Úc ngay khi vừa tốt nghiệp. Ngoài điểm IELTS 7.0 là yêu cầu tối thiểu cho việc học, Minh cũng chuẩn bị thêm cho chuyến xuất ngoại đầu tiên của mình bằng việc đi học thêm Anh văn ở một trung tâm ngoại ngữ. Minh tin rằng với sự chuẩn bị chu đáo như vậy thì mình sẽ dễ dàng hội nhập với cuộc sống mới tại “xứ sở Kanguroo”.

Thế nhưng khi đặt chân đến Úc, Minh bị sốc vì bằng IELTS 7.0 của mình hoàn toàn không ăn thua gì. Minh kể: “Lúc trước học trong lớp, cảm thấy mình nói tiếng Anh “ngon lành” hơn hẳn các bạn khác nên cảm thấy rất thích nói. Nhưng đến khi sang đây, đối diện với người bản xứ, tự dưng lại bị “khớp” vì sợ nếu mình nói sai thì sẽ bị phát hiện ra ngay. Hơn nữa, cách phát âm của người Úc cũng khác với giọng Anh và Mỹ như trong băng đĩa để luyện nghe ở nhà”.

Minh cho biết thêm: “Mình ở nhà chung với mấy anh chị người Việt, đi chợ của người Việt, vào lớp bạn bè người Việt cũng ngồi túm tụm lại với nhau”. Chính điều này khiến cho nhiều sinh viên Việt Nam chẳng mấy khi nói tiếng Anh.

Còn Tùng, ngoài việc có thành tích tốt trong học tập còn là một sinh viên rất năng động và nhiệt huyết. Từng là lớp trưởng trong nhiều năm liền từ thời học sinh đến khi lên đại học, Tùng đã quen thuộc với vai trò “lãnh đạo” và luôn tự tin, chủ động trong bất cứ tình huống nào. Nhưng cũng giống như Minh, vốn tiếng Anh chưa đủ thành thạo cũng là khó khăn của Tùng. “Mình không biết diễn tả như thế nào cho chính xác với ý tưởng của mình. Nhiều khi vừa kịp hiểu thôi, chưa kịp suy nghĩ gì thì đã nói qua nội dung khác rồi. Vì vậy mà dần dà, mình ngại nói và chỉ ngồi nghe thôi”, Tùng chia sẻ.

Tùng cũng không còn chủ động đưa ra quyết định một cách dứt khoát như khi còn là “leader” ở Việt Nam. “Có lẽ văn hóa khác biệt và cảm giác mình là sinh viên quốc tế khiến cho mình thấy… ngại ngại khi muốn yêu cầu hay "ra lệnh" cho các thành viên trong nhóm làm việc”, Tùng chia sẻ thêm.

Khôi phục sự tự tin

Sau một thời gian bất đắc chí, Minh quyết định phải tìm cách lấy lại phong độ như xưa. Một mặt ý thức được điểm yếu của mình là chưa thật sự tự tin khi giao tiếp bằng tiếng Anh, cộng với tính tình hoạt bát và năng động sẵn có, Minh tìm cách đi loanh quanh các trung tâm mua sắm, các nến xe buýt để lân la nói chuyện với người bản xứ. Đi mua hàng thì tranh thủ ‘tám’ với người bán hàng. Trong lớp học, thay vì ngồi tụ tập với bạn bè người Việt, Minh “vô tình” ngồi vào những bàn có nhiều sinh viên Úc hơn. “Thật ra ban đầu thấy ngại lắm. Nhưng dần dần cũng quen và thấy nhiều người Úc ở đây cũng dễ thương, nhất là khi người ta biết mình đang muốn được luyện tiếng Anh”, Minh kể.

Tùng cũng “vượt lên số phận” nhưng bằng một cách tình cờ hơn so với tình huống của Minh. Vốn là dân du học tự túc, Tùng muốn tìm việc làm để đỡ chi phí cho ba mẹ ở nhà. Mòn mỏi xin việc ở các tiệm người Việt suốt cả tháng trời mà không thành công, Tùng tình cờ được một người bạn giới thiệu vào một cửa tiệm bán Pizza của một ông chủ người Úc. Đang thật sự cần một công việc nên dù rất lo lắng về tiếng Anh của mình, Tùng cũng “nhắm mắt làm liều” đến thử việc.

“Ban đầu mình chỉ lầm lũi làm, thỉnh thoảng không biết gì mới hỏi mấy bạn người Úc làm cùng. Nhưng từ từ, mình “tám” nhiều hơn và tiếng Anh tiến bộ lúc nào không biết. Bây giờ thì mình không còn thấy run và lép vế khi nói chuyện với dân bản xứ như trước nữa”, Tùng hào hứng kể.

Bản chất của sinh viên Việt Nam vốn là năng động và nhiệt huyết. Khi vượt qua được những rào cản về vốn tiếng Anh, am hiểu văn hóa bản xứ, các bạn trẻ sẽ ngày càng tự tin và thành công hơn.
 

Nguồn tin: Người Đưa Tin


Người viết : Admin

Giới hạn tin theo ngày :