TP Hồ Chí Minh
0906 710 608 - 
0906 720 608

TP Đà Nẵng
0905.756.099

Ngôn ngữ

Du học: Có tiền nhưng không biết chứng minh

Thứ hai, 21/05/2012, 00:45 GMT+7

Dù học bạ “đẹp” đến cỡ nào thì chứng minh tài chính khi du học vẫn là quan trọng nhất.
Học sinh, sinh viên sẽ bị đánh rớt visa ngay nếu không chứng minh được bản thân có khả năng tự túc tài chính gồm: học phí, ăn ở, sinh hoạt, di chuyển... Do đó người học phải chứng minh và thuyết phục được viên chức bộ phận visa việc gia đình có đủ khả năng 
tài chính.
Ông Michael Sestak, Trưởng phòng Visa không di dân - Tổng Lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM, cho biết: “Chứng minh tài chính hợp lý để chúng tôi tin rằng gia đình tại Việt Nam có khả năng chi trả cho người học trong thời gian du học, tránh tình trạng người học bỏ học giữa chừng để đi làm ở nước ngoài, ảnh hưởng đến chất lượng học tập”.
Không quá khó chứng minh
Theo ông Michael Sestak, cách chứng minh tài chính không quá khó, có thể sử dụng giấy phép kinh doanh, giấy nộp thuế, chủ quyền bất động sản, hợp đồng cho thuê mướn, bảng lương hoặc sổ tiết kiệm. Tuy nhiên, tất cả giấy tờ này phải mang tính pháp lý và thể hiện rõ nguồn thu của gia đình. “Theo khảo sát của chúng tôi, hiện chỉ có khoảng 11% người Việt Nam có tài khoản ngân hàng. Nghĩa là phần lớn chưa có thói quen mở tài khoản cá nhân tại ngân hàng để giao dịch, thanh toán thường xuyên. Thêm vào đó, dù có tài khoản nhưng rất nhiều trường hợp không thể chứng minh khoản tiền tiết kiệm này được tích lũy như thế nào. Ngoài ra, nhiều gia đình mở sổ tiết kiệm trước ngày phỏng vấn vài tháng cũng khó thuyết phục chúng tôi tin rằng tiền này có phải của bạn không” - ông Michael Sestak nói.
Thực tế hiện nay, phụ huynh và học sinh thường gặp rất nhiều khó khăn trong việc chứng minh thu nhập nếu như gia đình hiện đang làm nghề tự do hoặc kinh doanh nhỏ. Bởi không có các chứng từ có liên quan để chứng minh thu nhập thực tế của gia đình khi mà phần thuế kinh doanh, thuế thu nhập… không rõ ràng. Trần Ngọc Thiện, học sinh Trường THPT Nguyễn Việt Hồng (Cần Thơ), nói: “Nhà em cho thuê phòng trọ, không có giấy phép kinh doanh, không chứng minh được thu nhập hằng tháng của ba mẹ nên khi phỏng vấn không đậu visa dù sổ tiết kiệm đã được gần 1 tỉ đồng”.
Chị Thanh Thủy (quận Gò Vấp, TP.HCM) cho biết: “Tôi buôn bán nên cũng tiết kiệm được số tiền kha khá để cho con du học. Nhưng khi phỏng vấn xin visa cùng con thì lãnh sự yêu cầu phải chứng minh thu nhập hằng tháng. Thật khó vì tôi làm tự do, không ai trả lương, không ai quản lý nên giờ đang chạy khắp nơi để hỏi thủ tục nào đơn giản nhất”. Còn Ngọc Hà, học sinh Trường THPT Phan Đăng Lưu (TP.HCM), cho hay: “Để chuẩn bị cho em du học, mẹ đã gửi tiết kiệm hơn một năm nhưng vẫn không thuyết phục được lãnh sự, vì họ thắc mắc vì sao hơn một năm mà chỉ đóng tiền ba, bốn lần, mỗi lần với số tiền lớn. Họ yêu cầu chứng minh khoản tiền tiết kiệm trong ngân hàng được tích lũy như thế nào, thu nhập của mẹ là giáo viên chưa cân xứng với số tiền trong ngân hàng”.
Ngân hàng giúp sức
Hiện nay, nhiều ngân hàng đã mở thêm dịch vụ chứng minh tài chính du học, dịch vụ hỗ trợ du học. Các sản phẩm chứng minh tài chính của ngân hàng rất đa dạng, người học có thể chọn lựa sản phẩm nào phù hợp để hồ sơ du học đạt hiệu quả cao nhất. Ngân hàng chỉ yêu cầu người tham gia dịch vụ này phải có thu nhập ổn định, đảm bảo đủ khả năng trả nợ cho ngân hàng trong suốt thời gian vay vốn.
Như vậy, với tiện ích này của ngân hàng, người học được vay tối đa 100% học phí và sinh hoạt phí (một số ngân hàng chỉ cho vay tối đa 70%, phần còn lại gia đình tự trang trải). Thời gian giải quyết hồ sơ chỉ từ ba đến năm ngày làm việc, trả gốc và lãi vay kéo dài đến 10 năm.
Thủ tục vay khá đơn giản, gồm giấy đề nghị vay vốn; bản sao giấy chứng minh nhân dân, hộ khẩu hoặc KT3 của cá nhân vay vốn; tài liệu liên quan đến du học sinh như hộ chiếu, chương trình học, giấy chấp thuận và thông báo đóng học phí của nhà trường; giấy tờ chứng minh khả năng tài chính của người vay như bảng lương đối với công nhân viên chức (có xác nhận của thủ trưởng đơn vị) hoặc nếu là khách hàng kinh doanh tự do thì gửi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, các biên lai nộp thuế…; bản sao các giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp.
Khi sử dụng tiền vay ngân hàng hoặc hợp đồng tín dụng từ một tổ chức tài chính Việt Nam, người học phải cung cấp bằng chứng giải ngân từ hợp đồng vay nhằm đáp ứng các yêu cầu về tài chính đối với hồ sơ xin thị thực du học. Theo các chuyên gia tư vấn du học, trước khi xin visa du học, người học phải để số tiền cần chứng minh trong ngân hàng từ nhiều năm, trường hợp bất khả kháng thì ít nhất phải chuẩn bị trước một năm khi xin visa.
Nên đính kèm các chứng từ vào hồ sơ
Khi chứng minh khoản tiền tiết kiệm trong ngân hàng được tích lũy như thế nào, người học cần phải có giấy tờ chứng minh từ cơ quan thuế, cơ quan làm việc nếu khai đó là thu nhập hằng tháng của cha, mẹ; còn nếu khai từ tài sản của cha, mẹ thì phải có chứng từ, hóa đơn chứng minh việc bán đất, đền bù nhà đất, sổ đỏ, thừa kế… Các loại chứng từ này nên đính kèm vào hồ sơ.
Ngoài ra, hồ sơ còn phải chứng minh được các khoản thu nhập hằng tháng của gia đình ở mức ổn định để không chỉ lo cho người học trong suốt thời gian ở nước ngoài, mà còn đủ tiền để lo cho gia đình tại Việt Nam.
QUỐC DŨNG
Theo GDO

Người viết : Admin

Giới hạn tin theo ngày :