Thứ hai, 14/03/2011, 21:04 GMT+7
Trí thức Việt Nam ở nước ngoài tìm được việc làm không phải dễ. Thế nhưng nhiều SV đã có được việc làm tốt sau khi ra trường. Đơn cử, năm 2004, khoảng trên 50 sinh viên Việt Nam tốt nghiệp ĐH Quốc gia Singapore và ĐH Nanyang đã tìm được việc làm tại Singapore. Tỉ lệ này cao hơn cả sinh viên bản xứ.
Ở nhiều nước, khi nhận người nước ngoài vào làm việc công ty phải trả nhiều thứ thuế, chi phí và phải thực hiện các thủ tục bảo lãnh, cư trú rườm rà. Vì vậy, khuynh hướng của các công ty chuộng người bản xứ hơn, hoặc yêu cầu người nước ngoài phải có giấy phép cư trú dài hạn mới nhận vào làm việc.
Mặt khác, trong tình hình kinh tế suy thoái với tỷ lệ thất nghiệp cao như hiện nay, tìm được một công việc tốt ở nước ngoài là một thách thức lớn, ngay cả với người bản xứ.
Trong bối cảnh ấy, du học sinh Việt Nam vẫn được “chuộng” có thể lý giải bằng hai lẽ: Thứ nhất, đa số sinh viên Việt Nam học tập tại nước ngoài đều đạt kết quả xuất sắc. Ngoài sự thông minh, trẻ trung, năng động và hiện đại, người Việt Nam còn rất nhiệt tình và thân thiện.
Thứ hai, họ sẵn sàng chấp nhận một mức lương khởi điểm thấp hơn mức lương trung bình và ít đòi hỏi các ưu đãi khác như bảo hiểm, thưởng, nghỉ phép...
Tuy nhiên, người Việt Nam ít khi dừng chân tại đó mà luôn phấn đấu để khẳng định và vươn đến những vị trí cao trong công ty. Theo thời gian, trí thức người Việt ngày càng chiếm vị trí quan trọng, khẳng định “thương hiệu” trong các công ty quốc tế.
Anh Đào Trọng Kiên, kỹ sư tin học, chỉ sau 2 năm làm việc cho chi nhánh công ty IBM tại Sydney (Úc) đã được giao nhiệm vụ quản lý.
Anh Trương Trung Kiên, thạc sĩ kiến trúc, suốt 3 năm làm việc tại một công ty thiết kế ởSan Diego (Mỹ) đã không ngừng được tăng lương. Điều này thật đáng nói vì hiện tại nền kinh tế Mỹ đang suy thoái và công ty đã sa thải gần 60 người trong đội ngũ 70 kiến trúc sư, kỹ sư của công ty.
Theo Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài - Bộ Ngoại giao Việt Nam, Tính đến thời điểm tháng 5-2004, có 2.767.164 người Việt Nam định cư ở 89 quốc gia, trong đó đội ngũ trí thức khoảng 300.000 người có trình độ từ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ.
Giới trí thức Việt Nam đang làm việc tại nước ngoài hiện nay vẫn nghĩ một ngày sẽ trở về và xây dựng đất nước, nên vẫn giữ quốc tịch Việt Nam. Dạo qua forum của Hội Sinh viên Việt Nam tại các nước như: Nhật Bản, Anh, Pháp, Mỹ, Singapore, Úc... chủ đề nổi bật là sau khi tốt nghiệp xong, sẽ làm gì, về hay ở?
Dù có nhiều ý kiến khác nhau nhưng đa số vẫn xác định rằng sẽ làm việc ở nước ngoài một thời gian để học hỏi thêm kinh nghiệm, tác phong làm việc, quản lý; tích lũy vốn để trở về xây dựng đất nước. Điển hình như anh Trương Trung Kiên, sau 3 năm làm việc tại Mỹ đã quyết định trở về Việt Nam, chấp nhận mức lương từ 4.000USD xuống còn 800.000 đồng/tháng để trở thành cán bộ giảng dạy tại Trường Đại học Kiến trúc TPHCM.
Theo SGGP