Thứ tư, 11/07/2012, 01:31 GMT+7
Chương trình đào tạo MBA (Master of Business Administration) trở nên phổ biến tại mọi quốc gia trên thế giới, đặc biệt với những ai quan tâm đến các chuyên ngành về kinh doanh. Hàng năm, tạp chí Financial Times luôn tổ chức thẩm định, đánh giá các trường, các tổ chức giáo dục nhằm đưa ra những trường đại diện tiêu biểu trong việc đào tạo các chuyên ngành kinh doanh.
Mặc dù trong điều kiện nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn nhưng số lượng ứng viên đăng ký các chương trình MBA vẫn không ngừng tăng, nhất là các khóa học tập trung toàn thời gian.
Theo kết quả khảo sát của Hội đồng quản lý tuyển sinh sau đại học năm 2011, số lượng đăng ký MBA học toàn thời gian vẫn chiếm 2/3 trong khi chương trình 2 năm thì lại giảm xuống.
Theo dữ liệu tổng hợp từ 133 trường được xếp hạng trên US News, số lượng ứng viên trung bình tham gia chương trình MBA khóa toàn thời gian ở mỗi trường là 884 người năm học 2011.
Năm 2012, các chương trình kinh doanh toàn cầu tại các trường đại học trên thế giới được đánh giá dựa trên nhiều tiêu chí khác nhau. Financial Times đã công bố bảng xếp hạng các trường đào tạo chương trình MBA năm 2012. Theo đó, Stanford Graduate School of Business dẫn đầu bảng xếp hạng và tiếp vị trí thứ 2 là Harvard Business School.
Dẫn đầu bảng xếp hạng trong các năm 2010 và 2011, năm nay, London Business School - Anh xếp hạng thứ 4 sau University of Pennsylvania, Wharton. Singapore với bốn tổ chức danh giá được xếp hạng bao gồm 2 tổ chức trong hệ thống công lập là Trường kinh doanh thuộc Đại học Quốc gia Singapore-NUS, Trường kinh doanh thuộc Đại học Nanyang và 2 tổ chức giáo dục nước ngoài đặt trụ sở tại Singapore là Trường kinh doanh Insead (Singapore/Pháp) và Trường quản lý Toàn cầu S P Jain (Singapore/Dubai).
Các tiêu chí đánh giá của Financial Times về các trường đào tạo chương trình MBA năm 2012 bao gồm:
1. Đánh giá kiểm định hằng năm: Các tổ chức giáo dục được kiểm định bởi tổ chức KPMG về những chỉ số liên quan đến thứ hạng của trường.
2. Lương hiện tại: Lương trung bình 3 năm sau khi tốt nghiệp.
3. Lương định lượng: Tỷ lệ lương hiện tại và mức độ thay đổi dựa vào nhiều yếu tố.
4. Tăng lương: Sự chênh lệch giữa lương trước khi học MBA và sau khi tốt nghiệp MBA.
5. Giá trị của chi phí cho khóa học MBA: Tính toán theo mức lương hiện tại, thời gian học, các chi phí cho khóa học mà không bao gồm thời gian làm việc trong khi học MBA.
6. Thăng tiến trong công việc: Đánh giá về sự thay đổi cấp bậc và quy mô của công ty hiện so với trước khi hoàn thành khóa học MBA.