Wednesday, 29/08/2012, 01:36 GMT+7
Thật ra, sốc văn hóa không có quá đáng ngại. Giống như một đứa nhóc ngày đầu vào lớp một, anh sinh viên tỉnh lẻ lên đô thành, hay ai đó tham gia chuyến du lịch đến một nơi xa lạ.
“Sốc văn hóa” không đáng sợ. Khi nghĩ đến hai từ “du học”, đầu tiên, nhiều người đều rùng mình lo lắng “sốc văn hóa”. Thật ra, sốc văn hóa không có quá đáng ngại. Giống như một đứa nhóc ngày đầu vào lớp một, anh sinh viên tỉnh lẻ lên đô thành, hay ai đó tham gia chuyến du lịch đến một nơi xa lạ.
Đối với du học sinh hay những ai đi định cư, sốc văn hóa chỉ trở thành áp lực khi họ tự đưa ra tiêu chí buộc bản thân phải hòa nhập, chấp nhận những khác biệt đó mà không có bất kỳ sự lựa chọn nào khác hay không có ai để chia sẻ.
Mọi sự đổi thay trong cuộc sống đến cùng lúc, cộng với tâm trạng cô đơn và nhớ nhà đã tạo nên trạng thái tâm lý bất ổn, chán nản, thậm chí tuyệt vọng với một số du học sinh. Dựa theo trải nghiệm qua sinh hoạt hằng ngày của bản thân, có thể nói sốc văn hóa đến từ ba mảng chính: giao tiếp với bạn bè gia đình, học tập và cộng đồng.
Tập chung sống với “điều khó chịu”, tôn trọng tự do cá nhân
Đối với những bạn “share” phòng (cùng góp tiền thuê một phòng): Vì phải cùng chia sẻ một không gian sinh hoạt chung như bếp, phòng khách… với các bạn đến từ nhiều quốc gia khác nhau nên những va chạm do sự khác biệt về thói quen, tập tục và tôn giáo là không tránh khỏi.
Ví dụ như, những ai đến từ các nước Hồi giáo thường khép kín và rất ngại khi bạn cùng phòng dẫn bạn khác giới về chơi. Họ thường có những buổi cầu nguyện nên cần yên tĩnh, hay chỉ ăn những loại thịt không máu. Ngược lại, những người đến từ các nước phương Tây thì lại thích những buổi party sôi động, coi trọng sự riêng tư cá nhân và môi trường sống sạch sẽ.
Họ không hài lòng với việc nấu nướng những món ăn nhiều mùi và dầu mỡ như cá chiên, món kho, sầu riêng, và dĩ nhiên là các món mắm. Đôi khi, họ sẽ yêu cầu bạn sử dụng bếp ngoài trời để nấu ăn vì không chịu được khói và mùi thức ăn trong nhà. Chính vậy, nếu không tôn trọng và nhường nhịn nhau, rất dễ xảy ra mâu thuẫn.
Nhưng nếu tập sống chung với những điều tưởng chừng rất “khó chịu” đó, dần dần những điều thú vị sẽ đến và chúng ta được biết rất nhiều về văn hóa các nước mà không tốn chi phí cho những chuyến du lịch xa. Với những du học sinh ở “homestay” hay với người thân: Khi ở cùng với người Việt, bạn cũng không thể tránh khỏi việc phải thay đổi bản thân để thích nghi với nếp sinh hoạt của các thành viên trong gia đình.
Dẫu sao, văn hóa phương Tây đã ảnh hưởng đến nhịp sống và suy nghĩ của những người này. Độc lập trong sinh hoạt và tôn trọng sự riêng tư là hai điều quan trọng nhất. Đôi khi, việc thể hiện sự quan tâm lại gây ra sự khó chịu cho người khác, bởi họ chỉ cần nhận được sự hỗ trợ khi họ mong muốn.
Còn nhớ ngày đầu đặt chân đến Úc vào cuối tuần, tôi đói meo như một con mèo suốt buổi trưa chỉ vì nghĩ rằng mọi người trong nhà sẽ cùng ăn trưa với nhau như hồi ở Việt Nam. Ở đây, người ta chỉ quây quần với nhau vào buổi cơm tối. Đồ ăn luôn có sẵn nên cuối tuần là dịp để từng người tận hưởng những hoạt động cá nhân theo sở thích riêng.
Cảm giác bị thiếu quan tâm là điều hầu hết các du học sinh mới qua cảm nhận được, nhưng thật ra đó chỉ là cách họ tôn trọng sự tự do cá nhân của mình mà thôi.
Phát triển kỹ năng dựa trên cá tính
Theo văn hóa phương Tây, phương pháp học tập đúng đắn nhất là phải đóng góp ý kiến xây dựng và chia sẻ kiến thức. Học thụ động và chỉ lắng nghe ý kiến người khác là không công bằng, nên bạn luôn được khuyến khích thảo luận bằng cách chấm điểm từ chính những thành viên khác trong nhóm.
Trung thực và tôn trọng ý tưởng người khác là tiêu chí đánh giá mạnh nhất trong học tập hay cuộc sống. Có rất nhiều du học sinh bị cảnh cáo hay đánh rớt vì chỉ vô tình “copy” một vài câu tra cứu từ Google mà quên trích dẫn lấy từ nguồn nào khi làm bài tiểu luận, chưa kể đến việc gian lận trong thi cử hay làm bài sẽ bị xử lý rất nặng nề.
Bên cạnh đó, nhà trường không chỉ quan tâm đến việc học tập của sinh viên mà còn quan tâm đến vấn đề tinh thần và giáo dục giới tính. Việc giáo dục giới tính sẽ được công khai qua những buổi lễ, sự kiện và hoạt động của các câu lạc bộ. Họ khuyến khích sinh viên thể hiện tiếng nói của mình và giúp đỡ những vấn đề về tinh thần bất kỳ lúc nào bạn cần qua những buổi trò chuyện riêng với bác sĩ tâm lý.
Họ muốn bạn sẽ phát triển những kỹ năng dựa trên cá tính của mình chứ không phải theo những khuôn khổ họ mong đợi. Văn hóa không chỉ ở việc biết “xếp hàng” Ngay từ khi còn là một đứa trẻ, giáo dục văn hóa cộng đồng là tiêu chí được ưu tiên nhất trong chương trình học, ví dụ như văn hóa xếp hàng, văn hóa trên xe bus và giữ gìn vệ sinh chung.
Các du học sinh đôi khi sẽ bị sốc khi bị một người phê bình thẳng thắn nếu vô tình phạm phải. Văn hóa xếp hàng không phải chỉ thể hiện ở sự kiện quan trọng hay những nơi đông đúc như nơi mua vé, tại các cơ quan nhà nước mà còn ở những nơi bình thường như toilet, xe bus, quán ăn…
Ý thức xếp hàng không nhất thiết là phải đứng ngay hàng thẳng lối mà chỉ cần biết rằng ai đã đến trước mình và khi nào sẽ đến lượt mình. Tôi nhớ một lần trong toilet chỉ có mình tôi nhưng sau đó người vào tiếp theo vẫn xin phép tôi trước khi sử dụng. Một trong những điều tôi thấy buồn và thậm chí cảm thấy bị xúc phạm là trong những toilet công cộng ở những khu có nhiều du học sinh hay cộng đồng người châu Á luôn có một thông báo chỉ dẫn cách sử dụng và ngồi toilet cho đúng.
Nhưng sau khi suy nghĩ kỹ tôi nhận ra rằng phải có nguyên do khiến họ làm như vậy, phải chăng là do chính ý thức từ phía mình chưa tốt. Điều thứ hai đáng trân trọng trong văn hóa của người Úc là, họ luôn nghiêm túc, có trách nhiệm với hành động của mình. Khi bạn yêu cầu sự giúp đỡ thì bạn luôn luôn có được câu trả lời.
Dù ít hay nhiều, họ luôn tìm được cách giải quyết hay nhờ sự hỗ trợ từ nhiều nơi cho các vấn đề của bạn. Chính vì vậy, tôi đã đúc kết được kinh nghiệm cho bản thân là, luôn chia sẻ những khó khăn của mình để được hỗ trợ thay vì phải chịu đựng một mình như chính câu châm ngôn của họ “sống vì cộng đồng để cộng đồng sống vì mình”.
Nhận lỗi, sửa chữa và hợp tác luôn gắn liền với nguyên tắc làm việc của họ. Khi chọn mua một món hàng trong siêu thị mà giá của sản phẩm không đúng với giá niêm yết, ngay lập tức tôi nhận được món hàng miễn phí kèm theo những lời xin lỗi thành thật. Ngay cả khi bạn nhận thấy giá của món hàng này mắc hơn giá bán ở nơi khác, bạn có thể yêu cầu “match price” để mua được đồng giá.
Chính vì thế, nhiều du học sinh bị sốc khi phải tuân theo những quy định nghiêm túc trong việc làm thêm của mình vì chỉ một vài phút đi trễ, hay thao tác làm việc không nhiệt tình, cũng sẽ nhận được những lời phê bình gay gắt. Nhìn chung, có ba tiêu chí giúp bạn sớm hòa nhập với môi trường văn hóa mới chính là lời cảm ơn, lời xin lỗi và nụ cười, bởi đó cũng chính là nguyên tắc chung cho cộng đồng nơi bạn đang sống, học tập hay làm việc.
Luôn cảm ơn khi ai đó giúp đỡ mình hay chỉ đơn thuần là đem đến cho mình một tô phở trong quán ăn, lời xin lỗi khi va chạm nhẹ nơi đông đúc hay những nụ cười thân thiện cho mọi người. Văn hóa phương Tây thật ra cũng chỉ là cách để mọi người ứng xử với nhau theo những truyền thống mà họ cho là đúng nhất, hợp lý nhất.
Điều quan trọng để các du học sinh vượt qua những cú sốc văn hóa là luôn tôn trọng, học hỏi những cái hay từ nền văn hóa mới nhưng vẫn chia sẻ và giải thích cho người bản xứ hiểu được những phong tục tập quán của mình để nhận lại được sự tôn trọng. Mong rằng các bạn đừng quá nặng nề vấn đề “nhập gia tùy tục” để tạo áp lực cho bản thân, bởi vì chẳng bao giờ bạn có thể biến mình giống họ 100%.
Tốt hơn, bạn hãy nắm bắt cơ hội cho mình, đón nhận những điều mới và cũng là cơ hội chào đón những người bạn mới gia nhập nền văn hóa Việt Nam để hướng về một thế giới chung, một cộng đồng chung.
Theo Doanh nhân SG