HCM CITY
0905.756.099
DA NANG CITY
0938.457.499

Languages

Nếu được phép, tôi sẽ thay đổi rất nhiều

Thursday, 01/12/2011, 19:44 GMT+7

altÍt ai biết rằng con trai nhà thơ Vũ Quần Phương lại là một “ngôi sao” trong lĩnh vực toán học. Hiện Vũ Hà Văn đang là Giáo sư khoa Toán tại ĐH Rutgers - bang New Jersey (Mỹ).

Thỉnh thoảng, anh vẫn về nước tham gia giảng dạy tại Viện Toán học và một số trường ĐH khác trong nước. Lần này, anh về nước với tư cách là thành viên BGK cuộc thi Olympic Toán quốc tế lần thứ 48, tổ chức tại Việt Nam.

Giải thưởng chỉ là những kỷ niệm đẹp”

 

Được biết, các sinh viên Việt Nam được đánh giá khá cao trong các kỳ thi toán, vật lý quốc tế. Trong môi trường anh đang làm việc hiện tại, giáo dục Việt Nam có được nhắc đến?

Không nhiều! Các cuộc thi kia xét cho cùng cũng chỉ như sân chơi dành cho thiếu niên.

Cuộc thi với nhiều người là nơi để rạng danh, để khẳng định mình. Tại sao theo anh lại chỉ là sân chơi dành cho “bọn trẻ”?

Không chỉ với riêng tôi mà với hầu hết những người tham gia các cuộc thi nên coi giải thưởng là những kỷ niệm đẹp. Tôi nghĩ, một giải thưởng ở tuổi vị thành niên chưa thể làm nên một nhà khoa học. Và cũng chẳng nên xem đó là cái gì có tầm quan trọng quá lớn với sự nghiệp.

Ngoài ra, nói một cách chân thực và thẳng thắn, ranh giới giữa người được giải và người không được giải là rất mong manh. Người được giải thường có thể chỉ là người may mắn hơn mà thôi, chứ chưa chắc lúc nào cũng là người tài giỏi nhất. Dĩ nhiên, trên báo chí, người thắng cuộc bao giờ cũng được nói tới nhiều hơn. Ở Mỹ, có nhiều đồng nghiệp của tôi chẳng bao giờ được giải nhưng họ vẫn là những trí tuệ lớn, và được giới toán học quốc tế kính trọng. 

Chẳng phải chính những giải thưởng đã trở thành bước đệm giúp anh có được thành công như hôm nay đấy thôi! Nếu không có các giải thưởng toán học đã đoạt, anh có dám chắc mình sẽ “yên vị” được ở Rutgers Univesity như hiện tại?

Dĩ nhiên, nói là bước đệm thì quả là các giải thưởng cũng có ý nghĩa khẳng định rằng mình có khả năng, nếu cố gắng tốt thì sẽ có tương lai, thế thôi.

“Tương lai” mà anh đã có ở ĐH Rutgers hiện tại có thể mô tả như thế nào?

Ở ĐH Rutgers, tôi là một giảng viên giảng dạy. Cơ cấu tổ chức của một ĐH ở Mỹ không giống ở Việt Nam, hay một số nước châu Âu là phải có một ông trưởng khoa làm sếp với những công tác quản lý và hưởng một mức lương hơn hẳn những người khác. Ở Mỹ, môi trường làm việc tương đối bình đẳng.

  

Có ba cấp độ giáo sư: Giáo sư trợ giảng (Assistant Professor), phó giáo sư (Associate Professor) và giáo sư toàn phần (Full Professor). Tôi hiện là giáo sư toàn phần trong trường và trong cùng một “hạng” thì mọi người đều bình đẳng như nhau, không có chuyện người nọ chỉ huy người kia. Chức danh trưởng khoa cũng chỉ là nghĩa vụ chứ không phải là quyền lợi, vài năm bầu lại một lần, người nào không tránh được thì buộc phải làm thôi. Nói chung, những người làm nghiên cứu thì thường không muốn làm quản lý vì nếu kiêm cả hai sẽ rất mất thời gian.

“Làm việc tại Mỹ vì khó... xin việc tại VN”

Chúng ta đã nói rất nhiều về việc các sinh viên Việt Nam đi du học rồi không trở về nữa. Với riêng anh, có lý do gì đặc biệt?

Xét về điều kiện làm việc thì quả thật ở Việt Nam không thể bằng Mỹ, Canada hay các nước Tây Âu khác. Vả lại, khi đó, nếu về Việt Nam chưa chắc tôi đã xin được việc. Tôi ra trường năm 1998, ở thời điểm ấy Việt Nam điều kiện để có thể vào biên chế một trường ĐH nào đó thực sự khó khăn. Ở nước ta, các ngành nghiên cứu cơ bản nói chung vẫn khó phát triển. Và điều kiện làm việc trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu của những người chọn ngành học nghiên cứu như chúng tôi.

Nước Mỹ từ xưa tới nay vốn đã nổi tiếng về khả năng “hút chất xám” từ các nước khác. Những đồng nghiệp hiện tại của tôi ở Mỹ, hai phần ba trong số họ là người từ các nước khác đến, không phải người Mỹ. Sống và giảng dạy ở Mỹ, tôi cũng có thêm nhiều đồng nghiệp hơn, và đa số họ đều là những người rất giỏi. Tôi nghĩ, được làm việc trong một môi trường nhiều ưu đãi như ở Mỹ, việc các sinh viên nước ngoài ở lại sau khi học xong, là điều hết sức dễ hiểu.

Có thể, một vài năm nữa, một lúc nào đó tôi sẽ tính đến chuyện về Việt Nam làm việc. Bởi đến một độ tuổi nào đấy, người ta thích sống ở quê hương. 

Sinh viên châu Á thường thụ động

Nhiều giáo sư nước ngoài khi sang Việt Nam tham gia giảng dạy tại một số trường ĐH đều có nhận xét về giáo dục đại học nước ta còn nhiều yếu kém, ví dụ: học thiên về lý thuyết, tiếp thu kiến thức thụ động và sách giáo khoa ít đổi mới... Anh nghĩ thế nào?

Thực sự, tôi cũng chưa hiểu nhiều về sinh viên Việt Nam hiện nay. Nhưng sinh viên châu Á nói chung hoặc những người học ĐH ở châu Á rồi sang học tiếp bằng tiến sĩ tại các nước phương Tây thường thụ động hơn sinh viên học tại châu Âu và Mỹ. Nếu một em học sinh học ĐH ở một nước châu Á rồi sang Mỹ học tiếp thạc sĩ, tiến sĩ thì thường sẽ  năng động hơn nếu chỉ học ở châu Á.

Về nhận xét học thiên về lý thuyết, sách giáo khoa ít cập nhật - theo tôi, đó là nhận xét khá chính xác. Ngay từ cấp học phổ thông, học sinh của chúng ta vẫn chỉ được học những kiến thức khó áp dụng ngay vào thực tế. Bởi vậy, nhiều người học xong vẫn không hiểu mình được học những gì?! Hoặc nhiều người sau khi tốt nghiệp ĐH, đi làm rồi mới nhận ra là kiến thức bao nhiêu năm học ĐH giúp ích được rất ít!

Sách giáo khoa của chúng ta cũ và chậm sửa đổi. Điều này đã có nhiều người đề cập, tôi không bàn thêm nhiều. Ở Mỹ, các môn học được thay đổi rất nhanh, có thể thay đổi theo từng năm. Một người thầy dạy toán, lý, tin học... khi thấy một môn học mới đang phát triển, những công nghệ mới đang hình thành thì hoàn toàn có thể tự làm giáo trình, đề xuất đưa vào giảng dạy và thường được khoa chấp nhận dễ dàng.

Nếu như vài ba năm nữa anh về Việt Nam làm việc, nếu được phép thay đổi điều gì đó trong hệ thống chính sách giáo dục, anh sẽ thay đổi điều gì trước nhất?

Nếu thay đổi thì chắc là rất nhiều, không chỉ ở hệ ĐH, mà ngay từ bậc học phổ thông hiện nay của chúng ta cũng phải thay đổi. Đơn cử như tính ứng dụng của những kiến thức được giảng dạy, làm sao phải dạy đến đâu dùng ngay được đến đó. Chẳng hạn như học toán, trước khi nghĩ giải bài toán như thế nào, ta rất nên biết rằng tại sao lại cần giải bài toán như vậy.

“Tôi chỉ đọc thơ cho vui”

Có ai tỏ ý ngạc nhiên với anh về việc con trai của nhà thơ Vũ Quần Phương lại là một nhà toán học tên tuổi?

Cũng có nhiều người nói vậy. Nhưng công bằng mà nói, con cái các nhà văn nhà thơ thường lại rất ít khi làm văn làm thơ. Tôi  biết có con gái nhà thơ Chế Lan Viên viết văn rất hay (nhà văn Phan Thị Vàng Anh), còn tới 90% đều hoạt động trong các lĩnh vực khác.

Vậy môi trường thơ văn mà bố anh hoạt động có ý nghĩa gì đối với anh?

Chỉ là đọc cho vui thôi! Tôi cũng đọc, đọc nhiều và cũng rất thích. Thơ văn thường cho cho chúng ta những lý tưởng cao đẹp, giúp định hình cách sống của mình, nhưng nếu là niềm đam mê mà lựa chọn và theo đuổi thì tôi không muốn. Thực ra, con đường thơ văn cũng là bước “rẽ ngang” của bố tôi vì từ đầu ông là bác sĩ chứ không phải một nhà văn, nhà thơ. Đó là lựa chọn của mỗi người theo nghề nghiệp mà mình thích.

Cuộc sống hiện tại ở Mỹ, hẳn là khiến anh hài lòng?

Tôi xây dựng gia đình đã được mười năm, một vợ và hai con trai. Các con tôi rất vui, lắm chuyện và luôn luôn cãi nhau. Cuộc sống hàng ngày thì cũng bình thường. Sáng đi làm, chiều về đón con, nấu cơm và nói chung buồn hơn ở Việt Nam. Ở Mỹ, tôi không có nhiều bạn bè, không có nhiều cơ hội gặp gỡ, đi chơi với nhau, tức là môi trường sống không “vui” như ở Việt Nam. Ví như bạn muốn đi chơi, muốn tụ tập bạn bè ngồi uống cốc bia sau giờ làm việc cũng khó, ở đó không có bia hơi, quán xá vỉa hè thoải mái như ở nước mình.

Theo DanTri


Written : Admin

Search date :