Wednesday, 18/01/2012, 21:16 GMT+7
Khu chợ người Việt ở Footscray, thành phố Melbourne, Úc những ngày cuối năm âm lịch thật nhộn nhịp và sôi động. Các mặt hàng truyền thống ngày Tết, từ đồ cúng, vàng mã, lư hương cho đến các loại giò chả, bánh mứt, bánh chưng, bánh Tét, dưa cà và các loại trái cây để bày ngũ quả.... tất cả đều ‘cái gì cũng có’.
Mai, tân sinh viên Đại học Swinburne lần đầu tiên đón Tết Nguyên Đán ở Úc, hào hứng cho biết: “Lúc mới sang em không thể tưởng tượng nổi là ở Melbourne lại có đầy đủ tất cả các loại đồ ăn, thức uống Việt Nam. Vì vậy, em cảm thấy đỡ nhớ nhà hơn rất nhiều”.
Đây là năm thứ ba em ăn Tết xa gia đình”, Dũng cho biết. Nhóm bạn của Dũng, nhất là các sinh viên nữ, rất khéo tay và đảm đang nên mâm cơm Tết của họ bao giờ cũng có đầy đủ các món ăn truyền thống như bánh chưng, giò chả, canh măng, nem rán...
Tết Việt nơi ít người Việt
Không may mắn như các sinh viên ở Úc, một số sinh viên Việt ở những nước khác lại không có được sự thuận tiện, dễ dàng trong việc mua sắm đồ Tết bởi cộng đồng người Việt ở những khu vực này rất ít ỏi.
Anh Nam, một nghiên cứu sinh tiến sĩ ở Graz (thành phố lớn thứ hai của Áo sau thủ đô Vienna), cho biết số lượng du học sinh Việt Nam ở nơi đây rất ít ỏi, chỉ khoảng trên 10 người. Anh nói: “Tôi ở đây đã hai năm nhưng cũng chưa gặp được thêm sinh viên Việt Nam mới nào sang học tập. Tết năm 2009, số lượng sinh viên người Việt đông nhất được khoảng 25 người nhưng sau đó họ dần về nước hết nên thành ra quân số bị giảm đáng kể. Thêm vào đó, kể từ năm 2010 đến nay thì số lượng sinh viên Việt đến Graz có chiều hướng ngày càng giảm”.
Cũng theo anh Nam, số lượng người Việt ở Graz chỉ khoảng 400 người, tuy nhiên họ thường sinh sống rải rác ở các vùng ngoại ô nên “ra đường gặp được một người nói tiếng Việt là rất mừng”, anh chia sẻ.
Nói về việc chuẩn bị đón Tết, anh Nam cho biết trước Tết khoảng một tuần thì nhóm của anh sẽ phân công nhau các công việc đi chợ và mua sắm. “Tối trước giao thừa chúng tôi thường tụ tập gói bánh chưng. Tuy nhiên cũng chỉ có một, hai người biết gói còn những người còn lại thì chủ yếu ngồi... tán dóc cho vui. Chúng tôi luộc bánh chưng bằng bếp điện và thường chia nhau mỗi người chịu trách nhiệm luộc vài cái vì không có nồi to”, anh cho biết.
Thậm chí, để cho không khí đón Tết thêm phần xôm tụ, các thành viên còn cùng cắt dán chữ để trang trí hoặc tạo hình cành đào, cành mai bằng cách cắt hoa giấy màu đỏ/vàng và dán vào những thân cây. “Chúng tôi cũng trang trí một bàn thờ tượng trưng cho tổ tiên, ông bà. Khi vào tiệc, mọi người sẽ diện đồ đẹp để chụp ảnh chung và sau đó là tiết mục lì xì cho trẻ con”, anh cho biết.
Với sự nỗ lực của các thành viên, nhóm bạn của anh Nam đã có được một không khí ngày Tết truyền thống ấm áp nơi đất khách.
Gia đình của Hoa - một cựu du học sinh Mỹ hiện đang sinh sống ở khu Northfield, Massachusetts, Mỹ. Khu vực này nằm cách thành phố Boston khoảng 2 tiếng lái xe nên khá vắng vẻ và hầu như không có người Việt sinh sống. Hoa cho biết Tết Việt ở đây rất buồn tẻ vì thiếu vắng cộng đồng. Tuy nhiên, năm nào nhà cô cũng tổ chức đón Tết, chủ yếu là làm một nồi lẩu thập cẩm, rồi rủ bạn bè sang ăn cùng để xua tan đi cái lạnh giá của những ngày đông đầy tuyết trắng.
“Tuy không đầy đủ các món ăn truyền thống nhưng đó cũng là dịp để mọi người gặp gỡ, nói chuyện và cùng gợi nhớ kỉ niệm của những ngày Tết trên quê hương”, Hoa chia sẻ.
Cũng tương tự hoàn cảnh của Hoa, Tú là một du học sinh Việt hiện đang sinh sống ở Vichy - một thành phố nhỏ của nước Pháp với khoảng 20 du học sinh Việt sinh sống tính đến thời điểm này. Tú cho biết cộng đồng sinh viên Việt thường tổ chức Tết vào 30 tháng Chạp hàng năm dưới sự tài trợ toàn bộ kinh phí của trường đại học của họ. Họ cùng nhau tổ chức bữa tiệc tất niên với một số món ăn truyền thống của ba miền và vì thế, ngày Tết cũng trở nên bớt hiu quạnh hơn.
Hạnh, sinh viên du học theo chương trình học bổng 322 của chính phủ Việt Nam tại Đại học Bonn (thành phố Bonn, Đức), cho biết chi phí sinh hoạt ở đây rất đắt đỏ nên các du học sinh phải rất dè sẻn chi tiêu. Thậm chí, những sinh viên Việt Nam ít ỏi ở đây còn tìm cách ‘làm thân’ với các chủ tiệm tạp hóa châu Á để được mua chịu thực phẩm mỗi khi chờ đợi học bổng.
“Vì thế anh em sinh viên luôn tổ chức ăn Tết với tinh thần tiết kiệm. Chúng tôi cũng mua lá dong khô hoặc lá chuối về gói bánh chưng và làm một số món ăn truyền thống của Việt Nam. Tuy đơn giản nhưng rất vui và ấm áp”, Hạnh nói.
Hoàng, một cựu du học sinh tại Đại học Hàng không Kiev, Ukraina lại chia sẻ trải nghiệm về một cái Tết rất độc đáo mà anh từng tham gia: “Chúng tôi ở trọ gần một con sông có rất nhiều con hến và trai to. Năm ngoái, vào dịp Tết, chúng tôi bắt được rất nhiều và đem về nấu thành các món ngon bên cạnh các món truyền thống khác của ngày Tết. Mặc dù mọi người trêu nhau rằng các con hến, trai này bị nhiễm phóng xạ từ vụ nổ nhà máy điện nguyên tử Chernobyl hơn hai mươi năm trước đây nhưng ai cũng… chén hết sạch!”
Nỗi niềm xa xứ
Đối với những du học sinh Việt không có điều kiện về quê hương ăn Tết thì mỗi hình ảnh gợi nhớ mùa xuân cũng dễ khiến cho họ xốn xang.
Một thành viên du học sinh của mạng xã hội Facebook chia sẻ cảm xúc: “Hàng ngày, xem những hình ảnh mùa xuân, đất trời, thời khắc chuyển giao sang năm mới ở quê nhà, lòng mình lại bồi hồi một nỗi niềm khó tả. Đào, quất, nụ, hoa... tất cả gợi cho mình những kí ức xa xưa của bao tháng ngày cũ...”.
Dường như đó cũng là tâm trạng chung của những người xa xứ. Chị Nhung, một cựu sinh viên hiện đang sống ở Alsace, Pháp - khu vực giáp biên giới Thụy Sĩ và Đức, rơm rớm nước mắt: “Chỗ tôi ở hầu như không có người Việt. Đôi khi thèm được nghe tiếng Việt, thèm một bát canh rau mùng tơi và quả cà pháo mà ngày xưa mẹ thường nấu cho ăn mỗi khi đi học về. Nhất là mỗi độ xuân sang thì lòng tôi lại chộn rộn một nỗi niềm khó tả lắm. Sáu năm không được đoàn tụ cùng gia đình vào dịp Tết là sáu năm tôi ôm gối khóc cho thỏa nỗi nhớ nhà. Ước mơ thật giản dị mà sao xa vời...”.
Hương, một du học sinh ở Úc, lại cho biết: “Năm nay tôi đón giao thừa ở trang trại nấm vì tôi lên đây làm việc ngay sau khi kết thúc học kì. Tôi, một số người bạn và cả anh chủ trang trại sẽ cùng nhau tổ chức một bữa tất niên ra trò...”.
“Những cái ôm ấm áp, những cái siết tay thân tình cùng những lời chúc tốt đẹp nhất cho năm mới đã khiến chúng tôi xích lại gần nhau hơn để cùng cảm nhận những khoảnh khắc thiêng liêng của thời khắc chuyển giao sang năm mới”, Hương tâm tình.