Wednesday, 31/10/2012, 20:59 GMT+7
Không ít bạn bè của tôi đã bỏ cuộc giữa chừng vì điều này. Khác biệt ngôn ngữ là trở ngại lớn trong việc giao tiếp với người bản xứ, kết bạn với sinh viên nước ngoài và đặc biệt là ghi chép bài giảng. Khó khăn tiếp theo chính là nỗi nhớ gia đình và bạn bè ở Việt Nam.
Dù đã được ba mẹ “trấn an” từ nhà nhưng cảm giác buồn và cô đơn khi bất thình lình phải tự lập trong môi trường mới khiến lúc đầu tôi cũng hoang mang. “Bí quyết” để tôi khắc phục hết những trở ngại trên là gì, bạn biết không? Đơn giản là tôi đã tạo cho mình nhiều sự… bận rộn!
Đầu tiên, tôi tập trung vào việc học. Trước khi đến lớp, tôi ôn lại những gì đã học và xem trước bài sẽ học để giúp mình hiểu hơn khi thầy cô giảng. Trong lớp, tôi tìm cơ hội kết bạn với nhiều người, chú ý giúp đỡ mọi người xung quanh mình từ những việc nhỏ nhất.
Vậy là tôi trở nên thân thiện và có được bạn bè mới. Các hoạt động của trường như ngoại khóa, văn nghệ, thể thao, tôi đều góp mặt nhằm rèn luyện sự tự tin của bản thân, thông qua đó nâng cao khả năng ngôn ngữ của mình và đặc biệt là có được tinh thần thoải mái, thư giãn.
Một điều khá lý thú là trước khi đi du học, mẹ đã dạy nấu một vài món ăn đơn giản mà tôi ưa thích. Vậy là tôi trở thành “đầu bếp”, cùng bạn bè tạo ra những buổi họp mặt cuối tuần vui vẻ, làm vơi đi nỗi nhớ nhà của mình và nhiều người.
Những năm sống ở xứ người đã giúp ích rất nhiều cho bản thân tôi, giúp tôi tự tin hơn khi giao tiếp với mọi người xung quanh mình. Với bằng cấp, kinh nghiệm mà mình có cùng với khả năng ngôn ngữ tiếng Anh lẫn tiếng Hoa (học thêm ở Singapore), tôi đã được một số công ty chào đón khi trở về Việt Nam…
Theo NLĐ