Wednesday, 18/07/2012, 03:42 GMT+7
Mùa hè đến cũng là lúc phần lớn các DHS Việt tranh thủ tìm một công việc làm thêm để trang trải cho cuộc sống đắt đỏ nơi xứ người. Dù vậy, công cuộc tìm kiếm này không hề đơn giản bởi những hạn chế về ngôn ngữ, thời gian hay do thiếu thông tin.
Tìm việc không dễ
Trong năm học, các DHS không phải đóng thuế đi làm tuy nhiên lại bị hạn chế thời gian (các bạn DHS chỉ được phép đi làm part-time tương đương với 25h/1 tuần). Còn trong các kỳ nghỉ dài, đặc biệt là mùa hè, thời gian đi làm nhiều hơn (ở Pháp trung bình là 35h/1 tuần, có nơi yêu cầu 41h/1tuần), các bạn thường có xu hướng kiếm những công việc có thu nhập cao hơn. Thậm chí có những bạn còn đi làm hai nơi cùng một lúc, khi đó việc kiếm được từ 1200€ đến hơn 2000€ là hoàn toàn có thể.
Thông thường các bạn DHS ở Pháp sẽ bắt đầu kỳ nghỉ hè vào khoảng trung tuần tháng 6, một số khác hoàn thành kỳ thi vào cuối tháng 5. Thế nhưng, để chuẩn bị cho các công việc làm thêm mùa hè, các bạn phải bắt đầu tìm kiếm từ trước đó vài tháng, trong đó tháng 3-4 là tháng cao điểm. Theo thống kê, có khoảng 6 loại công việc làm thêm chính phù hợp với các bạn DHS gồm: các công việc nhà hàng, trông trẻ, thu ngân, người dọn nhà, thu hái hoa quả và lễ tân.
Ở Pháp, các diễn đàn về việc làm được tổ chức rất thường xuyên và trở thành một điểm gặp gỡ giữa các công ty, các doanh nghiệp và người tìm việc. Các bạn DHS mong muốn tìm được một khoá thực tập để phục vụ cho công việc học tập của mình không nên bỏ lỡ các cơ hội này. Tùy theo khả năng về ngôn ngữ mà các bạn DHS sẽ tìm được công ty phù hợp.
Tuy nhiên, việc tìm kiếm việc làm thêm hè thường không dễ. Đa số tìm được việc là nhờ người quen, xem các thông báo trên mạng, diễn đàn của hội sinh viên, … Số khác là do kiên trì không ngại bị từ chối và kiên nhẫn chờ đợi. Bạn Khánh Linh, DHS ở Paris chia sẻ:
“Đây là mùa hè đầu tiên mình ở Pháp và mình cũng đôn đáo tìm việc để có một khoản trong năm học mới. Mình không biết những người khác như thế nào, cá nhân mình thì sau thăng trầm tìm việc và tìm nhà trên mạng, mình không còn tin vào bất kỳ thể loại thông báo nào trên mạng nữa. Tớ cũng khuyên các bạn DHS khác nên cẩn thận kỹ càng trong việc tìm việc làm thêm qua mạng”.
Bạn Hồ Giang, sinh viên năm thứ hai trường Paris 2 chia sẻ kinh nghiệm tìm việc: “Đây là mùa hè thứ hai mình ở Pháp rồi. Mùa hè năm ngoái mình có nhận đi trông trẻ cho một gia đình ở Paris trong hơn 2 tháng hè. Năm nay mình muốn thay đổi không khí nên đã xuống các thành phố biển miền Nam như Nice, Cannes hay St Raphael để tìm việc”.
Giang cũng chia sẻ rằng vì không có người quen ở đó nên theo kinh nghiệm của các anh chị đi trước truyền lại, sau khi hoàn thành môn thi cuối cùng, Giang đã bắt tàu ngày xuống Cannes để tìm việc. Trước chuyên đi này, Giang đã lên list các nhà hàng ở Cannes để có thể vào đó xin việc trực tiếp. Do xuống hơi muộn (đầu tháng 6) nên may mắn không mỉm cười với Giang ở Cannes và cậu bạn tiếp tục thử vận may của mình ở Nice, một thành phố biển xinh đẹp bên bờ biển Địa Trung Hải. Tại đây, Giang đã được một nhà hàng ở Nice nhận sau 1 tuần thử việc với mức lương khá ổn và được chủ nhà hàng trả tiền đi lại cũng như khách sạn.
Thử thách với khó khăn
Đối với Khánh Linh, khoảng thời gian gần 2 tháng thử việc ở một siêu thị lớn của Pháp quả thực là một trải nghiệm lớn. Để được nhận vào làm chính thức, cô phải trải qua hai tháng thử việc và một nửa thời gian trong số đó, Khánh Linh phải làm kiểm hàng trong kho. Sau khi được tin tưởng, Khánh Linh được chuyển lên làm thu ngân. Thu ngân tưởng chừng là một công việc đơn giản nhưng quả thực, khi thử sức với nó, có những khó khăn tưởng chừng như đánh gục cô gái nhỏ nơi xứ người.
“Trộm cắp vặt trong siêu thị rất nhiều. Phần lớn là người nhập cư và người vô gia cư. Mình đã từng rất sốc vì chứng kiến không ít màn người Pháp da trắng, vẻ ngoài cũng đứng đắn không đến nỗi nào mà trộm đồ rất chuyên nghiệp. Hai tuần đầu đi làm, tớ phải mời cảnh sát tới 3, 4 lần.
Mỗi lần như thế siêu thị trở nên có hỗn loạn và khiến mình cảm thấy sợ. Công việc liên quan đến tiền nong, và đặc biệt là tiền mặt thì đều rất đáng sợ. Tiền giả, tiền nước khác, cheque giả, ticket ăn cắp, ... những cái đó rất nhiều. Người đứng quầy thu ngân không cẩn thận bỏ cả tháng lương mà đền bù như chơi. Rồi thì lúc hàng hóa có vấn đề hoặc tự họ làm hỏng hàng thì đến làm loạn cửa hàng lên rất kinh khủng”, Khánh Linh bộc bạch về công việc của mình.
Hay như Hồ Giang, công việc nhà hàng dù được trả công khá ổn nhưng cũng không hề đơn giản chút nào. Giang đã phải làm thêm rất vất vả, đặc biệt là vào những ngày cuối tuần vì lúc đó khách rất đông. Có những hôm, Giang trở về nhà khi đồng hồ đã điểm 2h sáng. Vào thời điểm đó, bus hay tàu điện đều không còn chạy nữa, Giang phải đi bộ về nhà hoặc có những hôm may mắn được ông chủ trở về. “Là con gái nên việc đi bộ về giữa đêm vắng như thế cũng khiến mình cảm thấy sợ nhưng giờ thì quen rồi”, Giang nói.
Đã ở Bordeaux 3 năm và có kinh nghiệm 2 mùa hè làm ở cửa hàng pizza ở thành phố rượu vang, nhưng Thành Nguyễn vẫn nhớ như in khoảng thời gian đầu mới vào nghề. Hồi đầu vào, Thành làm ở vị trí đi giao pizza cho khách hàng bằng xe máy. Hồi đó, do chưa thuộc đường nên gây khó khăn nhiều trong việc giao hàng.
Có lần, do bị lạc nên Thành đến muộn nửa tiếng đồng hồ, bị khách hàng phàn nàn nhưng Thành vẫn không nản, bình tĩnh xin lỗi khách và cố gắng hoàn thành công việc của mình. “Khổ nhất là những hôm trời ở Bordeaux mưa bất thường, tay cầm tờ giấy địa chỉ còn mắt thì nhòe đi vì nước mưa. Đúng là không có công việc nào dễ dàng cả. Rồi khi chuyển vào làm ở lò nướng, cái nóng 50 độ ở trong lò giữa trời mùa hè cũng khiến cho bất kỳ ai cảm thấy e dè. Thời gian đầu, khi không quen mình cảm thấy sợ mỗi khi đứng gần nó”, Thành chia sẻ một cách thẳng thắn.
Những kinh nghiệm quý báu
Những công việc làm thêm vào mùa hè vừa giúp các bạn DHS có thể trang trải cuộc sống nơi xứ người đắt đỏ vừa mang lại cho các bạn những trải nghiệm quý báu.
Sau khoảng 2 tháng thử việc, Khánh Linh đã được công ty ký một bản hợp đồng dài hạn không những cho bạn làm tới hết hè mà còn có thể làm bán thời gian khi vào năm học. Cũng trong thời gian này, Khánh Linh đã được rèn luyện bản lĩnh cũng như kỹ năng mềm mỏng, bình tĩnh trong việc xử lý các tình huống xảy ra. Hơn nữa, vốn tiếng Pháp của Linh cũng được cải thiện rất nhiều .
Còn với Thành, sau khoảng thời gian làm việc chăm chỉ ở Domino Pizza, không những trang trải của mình mà còn thỏa mãn ước mơ chụp ảnh của mình với một “em” máy ảnh mơ ước từ lâu. Một phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực của Thành.
Theo dantri