Thursday, 02/08/2012, 21:36 GMT+7
Trong khi những bản ghi chép đầu tiên về lịch sử Singapore đã bị phai nhòa theo thời gian thì một tài liệu tiếng Trung vào thế kỉ thứ 3 đã miêu tả mảnh đất này là “Pu-luo-chung”, hay còn gọi là “Hòn đảo ở tận cùng bán đảo”. Sau đó, khi những cộng đồng cư dân đầu tiên được thành lập từ năm 1298 đến năm 1299 trước Công nguyên thì mảnh đất này được biết đến với tên gọi là Temasek (nghĩa là “Thị trấn biển”).
Vào thế kỉ 14, hòn đảo nhỏ bé nhưng có vị trí chiến lược này đã có tên mới. Theo truyền thuyết, chàng Sang Nila Utama, một hoàng tử đến từ xứ Palembang (thủ đô của Srivijaya) trong chuyến đi săn đã gặp một con vật lạ mà chàng chưa bao giờ nhìn thấy.
Coi đó là điềm lành, chàng liền đặt cho đất nước nơi xuất hiện con vật lạ cái tên là “Đất nước Sư tử” hay Singapura, mà theo tiếng Sanskrit thì “simha” có nghĩa là sư tử, còn “pura” có nghĩa là đất nước. Vào thời gian đó, đất nước này được trị vì bởi 5 vị vua của Singapura cổ đại. Nằm ở vị trí địa đầu của bán đảo Mã Lai, là điểm quy tụ tự nhiên các dòng hải lưu, đất nước này đã đóng vai trò là một khu buôn bán nhộn nhịp với vô số các loại tàu buôn trên biển, từ các ghe thuyền của người Trung Quốc, tàu lớn của người Ấn Độ, thuyền buồm của người Ả Rập, tàu chiến của người Bồ Đào Nha cho đến những thuyền buồm dọc của người Bugis.
Giai đoạn quan trọng tiếp theo trong lịch sử Singapore là vào thế kỉ 18, thời điểm đất nước Singapore hiện đại được hình thành. Vào thời gian này, Singapore đã sớm trở thành cửa ngõ thông thương dọc theo eo biển Malacca, và người Anh đã nhận ra nhu cầu cần có một cảng biển cho toàn vùng. Những thương nhân Anh cần một vị trí chiến lược để nghỉ ngơi và bảo vệ đội thương thuyền của một đế chế đang ngày càng hùng mạnh, cũng như ngăn chặn nguy cơ cạnh tranh của người Hà Lan trong vùng.
Nhận ra tiềm năng lớn của một hòn đảo bị bao phủ bởi đầm lầy, ông liền thương thảo một hiệp ước với những người trị vì khu vực này và xây dựng Singapore thành một trung tâm thương mại. Không lâu sau, chính sách tự do buôn bán của hòn đảo đã thu hút rất nhiều thương nhân từ khắp Châu Á và các miền đất xa xôi như Mỹ và vùng Trung Đông. Lúc đó, Singapore đã trở thành trung tâm hành chính của Khu thuộc địa Anh quốc dọc eo biển Malacca bao gồm Penang, Malacca và Singapore.
Cùng với việc khai thông kênh đào Suez vào năm 1869 cũng như việc phát minh ra máy điện báo và tàu thủy chạy bằng hơi nước, Singapore ngày càng trở nên cực kì quan trọng với vai trò là cửa ngõ thông thương nối liền phương Đông với phương Tây. Cho đến năm 1860 thì dân số của đất nước thịnh vượng này từ con số chỉ 150 người vào năm 1819 đã tăng lên thành 80.792 người, chủ yếu là người Hoa, Ấn Độ và Mã Lai. Thế nhưng vào Thế chiến thứ II, cuộc sống hòa bình và thịnh vượng của mảnh đất này đã bị hủy hoại, mở màn bằng cuộc tấn công bằng máy bay của quân Nhật vào ngày 8/12/1941.
Và khi được nhận thấy là một pháo đài vô cùng vững chắc có tầm ảnh hưởng chiến lược, Singapore đã bị quân Nhật xâm chiếm vào ngày 15/2/1942. Singapore đã bị Nhật chiếm đóng trong vòng 3 năm rưỡi, khoảng thời gian đánh dấu sự đàn áp dã man với vô vàn mạng người bị cướp đi. Khi quân Nhật đầu hàng vào năm 1945, mảnh đất này đã rơi vào tay Chính quyền Quân sự Anh cho đến khi Khu thuộc địa Anh quốc bị tách ra thành Penang, Melaka và Singapore. Vào tháng 3 năm 1946, Singapore trở thành thuộc địa của Vương quốc Anh chưa được độc lập.
Vào năm 1959, sự phát triển của chủ nghĩa dân tộc đã hình thành chế độ tự trị ở quốc gia này và cuộc tổng tuyển cử đầu tiên đã diễn ra. Đảng Hành Động Nhân Dân (PAP) đã giành được 43 ghế và Ông Lý Quang Diệu trở thành thủ tướng đầu tiên của Singapore. Vào năm 1961, Singapore sát nhập vào Malaya và hợp nhất với Liên bang Malaya, Sarawak và Bắc Borneo thành nước Malaysia vào năm 1963. Tuy nhiên, cuộc hợp nhất không đạt được nhiều thành công và gần 2 năm sau đó, cụ thể là vào ngày 9/8/1965, Singapore đã tách khỏi Malaysia và trở thành một quốc gia độc lập với nền dân chủ có chủ quyền lãnh thổ.
Vào ngày 22 tháng 12 năm đó, Singapore cuối cùng đã chính thức trở thành một nước Cộng hòa độc lập. Ngày nay, bạn có thể chiêm ngưỡng các di sản lịch sử phong phú của Singapore qua các chuyến thăm tới nhiều công trình kỷ niệm, bảo tàng và các đài tưởng niệm quốc gia nằm xung quanh thành phố. Khi tới đây tham quan, bạn hãy nhớ đi bộ dọc theo một trong những con đường di sản hoặc thăm những danh lam nổi tiếng để có được một chuyến đi với cảm nhận trọn vẹn về đất nước Singapore.