Tuesday, 13/12/2011, 20:22 GMT+7
Ở Canada, nếu bạn thấy buồn phiền bất cứ điều gì, dù là bị làm ồn, thấy người lạ khả nghi, thấy chó chạy rong hay bị người yêu “đá”, thì chỉ việc gọi cho cảnh sát. Họ sẽ đến giải quyết ngay tức khắc
Chuyện phiếm đầu tiên là về cảnh sát. Nếu bị mấy anh cảnh sát “hỏi thăm”, tiếng Anh gọi là bị “pull over”. Việc đầu tiên là bạn cứ ngồi yên trong xe, kéo kính xe xuống rồi chờ họ lại kiểm tra giấy tờ và nêu lý do dừng xe bạn. Họ không thích bạn bước ra khỏi xe đâu đó.
Thường thì cảnh sát không được tự ý dừng xe bạn. Họ sẽ chạy phía sau, kiểm tra biển số xe bạn trên máy tính. Nếu phát hiện có vấn đề gì thì họ mới mở đèn chớp lên và lúc đó thì bạn nên tấp vào lề đường càng sớm càng tốt. Canada quản lý xã hội rất hay. Tất tần tật mọi việc đều hiện thị trên máy tính, từ động vật, chiếc xe đến con người.
Trước khi có bằng lái tôi thì cũng chạy xe không có bằng khoảng gần nửa tháng. Rất may là không gặp cảnh sát. Từ đó tới giờ tôi bị “hỏi thăm” một lần. Lần đó, tôi mượn xe của bạn cùng nhà để đi làm. Cậu ta bị tước bằng lái tạm thời do lái xe trong tình trạng có hơi men. Cảnh sát kiểm tra biển số xe xong thì lập tức dừng xe tôi lại (chắc là họ tưởng chủ xe lái). Tôi có bằng lái đàng hoàng nên cũng không sao. Ở Canada, lái xe khi đã uống rượu bia là tội không nhẹ tí nào cả. Bạn cùng nhà tôi bị tước bằng lái ba tháng, đóng phạt 5.000 USD, ra tòa mấy bận, phải ngồi nghe giảng về luật lệ giao thông đủ 12 tiếng rồi phải đi thi lại lý thuyết. Đó là chưa nói đến say xỉn mà gây tai nạn đấy nhé. Tôi nghe nói khi đó sẽ bị khép vào tội “cố ý giết người”, bởi vì biết uống rượu bia khi lái xe sẽ gây nguy hiểm cho người khác mà vẫn cố tình tiếp tục.
Cảnh sát bên này rất lịch sự, đàng hoàng. Câu đầu tiên bạn được nghe khi gặp họ là “Hello! How are you doing today?”. Ở đây, mỗi thành phố chỉ có một trụ sở cảnh sát duy nhất, phụ trách mọi thứ như tuần tra giao thông, hành chính, trật tự... và họ luôn bị dân chúng “làm phiền”. Nếu bạn thấy buồn phiền bất cứ điều gì, như là bị chó hàng xóm ị trước nhà, bị làm ồn, thấy người lạ khả nghi, thấy chó chạy rong, bị người yêu "đá"... thì chỉ việc gọi cho họ. Họ sẽ đến giải quyết ngay lập tức. Vào mùa đông, lúc tuyết đang rơi, nếu bạn không có xe, muốn đi đâu mà sợ tốn tiền taxi thì chỉ việc đi bộ ngoài đường. Nếu cảnh sát gặp bạn, họ sẽ lập tức dừng lại và cho bạn quá giang.
Chuyện tiếp theo là về biển báo dừng ở ngã ba, ngã tư. Thông thường, tại các giao lộ không có đèn giao thông sẽ có biển báo dừng này. Nếu chỉ thấy biển báo dừng mà không có biển báo phụ thì nghĩa là đang ở đường nhỏ giao cắt với đường lớn, phải nhường các xe khác ở đường lớn. Còn nếu có biển phụ như “3-way” hoặc “4-way” thì nghĩa là đường đồng cấp, xe nào dừng ngay vạch tại giao lộ trước thì được đi trước. Chuyện này nghe thì đơn giản nhưng thực tế không đơn giản tí nào. Thử tưởng tượng, bốn chiếc xe từ bốn hướng mà tới giao lộ cùng lúc thì thật là gay go, chẳng biết ai được đi trước, phải chạy quen thì mới phân biệt được. Nhớ hồi tôi mới chạy xe bên này, mỗi lần tới giao lộ luôn phải tập trung cao độ. Có khi mải lo nói chuyện nên quên, thế là cứ lóng nga lóng ngóng. Còi xe bên này chỉ dùng để thể hiện thái độ không vừa lòng với xe khác. Mỗi khi nghe tiếng còi tôi đều giật mình, xem lại mình có đi ẩu, đi sai gì không.
Ở Canada, xe buýt chở học sinh và khách bộ hành được ưu tiên số một. Xe buýt trường học được xem là vua ở trên đường. Xe được phép dừng giữa đường cho học sinh lên xuống, các xe khác từ hai chiều đều phải dừng lại từ xa. Khách bộ hành thì luôn được ưu tiên qua đường mà không phải lo ngại xe cộ (dĩ nhiên trừ đường cao tốc). Việc của các tài xế bên này không phải là chú ý xe khác mà chỉ là chú ý xem có người nào muốn qua đường không và phải dừng lại để nhường họ ngay nếu không muốn nghe la ó. Có lần, do tôi mải nói chuyện, không để ý người qua đường, thế là bị chỉ trích ngay, lại còn được "khuyến mãi" thêm đôi mắt hình viên đạn.
Người Canada có câu “Children see, children do”, nghĩa là trẻ con thấy người lớn làm thế nào thì chúng cũng bắt chước y như thế. Người lớn luôn làm đúng thì trẻ con cũng bắt chước theo làm đúng, rồi con cái của chúng cũng bắt chước theo mà không cần nhồi nhét vào đầu chúng phải làm thế này thế kia. Cứ như vậy từ thế hệ này qua thế hệ khác, tự nhiên xã hội sẽ trở nên văn minh hơn.
Phạm Văn Phước