Monday, 13/02/2012, 02:56 GMT+7
Người đời mặc nhiên nghĩ rằng, đã là con đại gia thì tất nhiên sẽ sung sướng. Họ sống trong sự giàu sang, sung túc, không bao giờ phải lo nghĩ về chuyện tiền bạc. Nếu có lo nghĩ, có chăng là chuyện lo xem nên tiêu tiền như thế nào. Thế nhưng, thực tế, có những đại gia dạy con rất nghiêm khắc.
Đại gia kiểm soát mọi hoạt động của con mình và thậm chí, họ còn vất vả hơn nhiều lần so với những gì người đời tưởng tượng bởi tiền luôn là mối lo và là thứ có thể làm hỏng con cái của họ bất cứ lúc nào…
Con đại gia toát mồ hôi kiếm tiền đi học
Nếu nói về độ giàu có, đại gia M có lẽ phải được xếp vào hàng ngũ 1 trong 5 đại gia giàu nhất giới bất động sản. Sự giàu có của ông M khiến người đời phải ngỡ ngàng. Hàng trăm khách sạn loại sang, hàng nghìn biệt thự nhà vườn…
Tiền nhiều, việc ăn chơi của đại gia này được thiên hạ lưu truyền nhau như những “truyền thuyết”. Ông thay siêu xe hàng tuần. Tiền tất nhiên không phải là vấn đề khiến ông quan tâm. Bản thân đại gia này từng thưởng tiền tỷ cho người làm chỉ vì anh này có câu nói khiến ông thích thú.
Người ta ngỡ với sự giàu có này, nhất định con ông sẽ được yêu chiều, sống trong sung sướng nhưng mọi việc lại hoàn toàn ngược lại với suy nghĩ ấy. Con trai ông M tên Hùng, cậu năm nay 20 tuổi và đang du học ngành truyền thông tại Anh.
Hùng là con cầu tự của ông M. Thế nên theo lẽ thường, lẽ ra Hùng phải là đứa trẻ được sống trong lụa là nhưng ngay từ khi bắt đầu biết nhận thức, cậu đã phải sống theo kỉ luật thép do chính bố mình đề ra.
Trong khi giới siêu giàu đua nhau chọn trường quốc tế, trường thật xịn cho con cái theo học thì ông M cho con đi học đúng tuyến, ở một trường công lập hết sức bình thường. Ngay từ ngày con trai bước vào lớp một, trong đầu ông M đã dựng sẵn tương lai cho cậu quý tử này rằng chắc chắn Hùng sẽ đi du hoc và chắc chắn phải đi bằng học bổng và sống bằng tiền của chính Hùng.
Hùng có cuộc sống như những đứa trẻ bình thường, cậu lớn lên mà không nhận được bất cứ ưu đãi nào từ người cha tỉ phú của mình. Toàn bộ tiền mừng tuổi các năm của Hùng đều bị bố giữ lại và gửi vào tài khoản tiết kiệm ông lập riêng cho cậu.
Số tiền đó tính đến lúc Hùng tốt nghiệp cấp ba là không hề ít nhưng mục tiêu kiếm học bổng đi du học thì cậu vẫn chưa đạt được. Ngay vào ngày con trai nhận bằng tốt nghiệp cấp ba, ông M cho người dọn đồ, gói ghém quần áo để con trai bắt đầu cuộc sống tự lập. Ông cắt đứt mọi chi phí, tiền bạc.
Với năm triệu trên tay, Hùng rời khỏi nhà, sống một mình, tự kiếm tiền, tự học và săn tìm học bổng. May mắn cho đại gia M vì con trai ông cũng là một đứa trẻ ham học. Buổi tối, Hùng đi bưng bê ở quán cà phê để lấy tiền sinh hoạt còn ban ngày, cậu học và đi ôn. Sau hơn một năm nếm trải đủ thiếu thốn, khó khăn, Hùng nhận được học bổng du học và cậu được bố cho phép quay lại nhà để chuẩn bị lên đường.
Thực ra, trong quãng thời gian Hùng rời nhà đi ở trọ và làm thuê, ông M luôn cho người đi theo để khi con có bất cứ khó khăn gì, ông sẽ lập tức can thiệp nhưng có điều, ông không cho Hùng biết điều này. Vợ ông thương con, có thời gian cứ khóc ròng và thậm chí còn lén lút mang tiền đến cho con trai.
Khi ông M biết chuyện này, ông khóa toàn bộ tài khoản ngân hàng và tịch thu toàn bộ trang sức của vợ để bà không còn trong tay bất cứ vật dụng đáng giá nào để “tuồn” ra ngoài cho con nữa. Số tiền tiết kiệm của Hùng đủ để trang trải những chi phí ban đầu, tiền vé máy bay, tiền thuê nhà và mua sắm chút vật dụng cá nhân.
Số tiền thừa ra, ông M giao cho con còn ông, tuyệt nhiên không cho con thêm một đồng nào. Hùng bắt đầu cuộc đời du học của mình như vậy. Nói không ngoa nhưng không một ai là bạn bè của Hùng biết cậu là con nhà tỉ phú.
Hùng sống như một người bình thường, có khi còn có phần khổ hơn những người bạn cùng lớp vì cậu chịu sự rèn rũa nghiêm khắc của ông bố. Ngay khi đặt chân đến nước Anh xa xôi, ổn định được việc học hành, Hùng bắt đầu đi tìm việc làm thêm. Ban đầu là dắt chó đi dạo, sau Hùng nhận thêm việc rửa xe ở một gara ô tô nhỏ.
Số tiền kiếm được nếu chi tiêu tằn tiện cũng đủ để Hùng sống. Tất nhiên việc học tập không được phép lơ là. Ông M từng nói với con: “Bố mẹ chỉ sinh con ra trong cõi đời này. Còn lại không gì hết. Cuộc đời của con, con phải tự lo liệu lấy”.
Tất nhiên, đó chỉ là câu nói răn đe bởi ông M không muốn con trai ỷ lại mà sau này không làm nên được sự nghiệp gì. Hùng thì hoàn toàn tin điều đó là thật bởi trước giờ, bố vẫn rất nghiêm khắc với cậu và chưa bao giờ không thực hiện những điều ông đã nói. Hùng không trách bố, thậm chí cậu còn cảm ơn vì bố đã nuôi dạy mình theo cách ấy, anh nói: “Có như thế, tôi mới có thể trở thành một con người”.
Thuê người, dàn cảnh, đẩy con vào bước đường cùng
Không như Hùng, Dũng ngay từ khi sinh ra đã được nhận sự chiều chuộng và nâng niu hết mức của ba mẹ. Ba Dũng cũng là cái tên được đứng trong danh sách những đại gia bất động sản giàu có. Vì cậu quý tử, ông đã xây không biết bao nhiêu biệt thự để mỗi cuối tuần lại đưa con trai đến đó chơi cho thay đổi không khí.
Từ bé, Dũng đã sớm nhận thức được mình là một đứa trẻ quan trọng, được cưng chiều và có “quyền lực” trong tay. Tức là, chỉ cần đó là điều cậu muốn, nếu cậu nói ra thì chắc chắn phải có người thực hiện yêu cầu ấy mặc cho nó khó hơn ăn gan trời.
Dũng được bố mẹ cho theo học ở những trường hàng đầu, đi xe xịn, mặc quần áo đồ hiệu, tiêu tiền không tiếc tay. Gia sư của Dũng đều là những người đã được lựa chọn kĩ càng. Mỗi giờ dạy của họ cho quý tử nhà đại gia là một trăm ngàn đô.
Tuy nhiên, quý tử thích chơi hơn thích học, quen chơi hơn quen học nên việc dạy bảo khá khó khăn. Dũng cũng chẳng hề sợ những lời quát mắng của bố bởi từ bé đến lớn, ông đều yêu chiều cậu.
Cái tên của Dũng nổi tiếng khắp giới con các đại gia về độ ăn chơi và tiêu tiền như đốt giấy vụn. Tuy nhiên, cậu chàng vẫn đóng vai con ngoan trò giỏi ở nhà để bố mẹ yên tâm. Bố Dũng chỉ tình cờ phát hiện ra “bộ mặt thật” của con trai mình khi Dũng bị bắt về đồn công an do đua xe.
Đến lúc ấy, ông mới nhận ra sự chiều chuộng của mình đối với con trai đã khiến con hư hỏng. Tất nhiên, đã hư thì phải uốn nắn. Việc cắt toàn bộ tiền bạc và khóa thẻ ngân hàng không mấy có tác dụng. Dũng có khá nhiều bạn bè và vì trước giờ cậu xông xênh bao bạn nên giờ họ cũng không tiếc chút tiền bỏ ra cho cậu công tử này.
Chuyện cấm cửa nhốt ở nhà cũng không mang lại hiệu quả cao. Dũng tin là bố mình không thể áp dụng những hình phạt này trong thời gian dài vì cậu là con cưng của bố. Thế nên, khi thấy bố cho người dọn hết đồ đạc của mình vào vali và tuyên bố đuổi Dũng ra khỏi nhà thì cậu mới hết hồn.
Thế nhưng đến lúc ấy, Dũng vẫn chưa hoàn toàn tin rằng bố sẽ xử tệ với mình. Khi Dũng không còn nơi dung thân, bạn bè cũng lần lượt bỏ cậu đi. Để sống, Dũng bán dần quần áo đồ hiệu, chỉ để lại một hai bộ để mặc. Số tiền bán quần áo được 10 triệu.
Bố Dũng thuê người dàn cảnh ăn tiền để chặn Dũng lại và lấy đi 9 triệu. Chỉ để lại 1 triệu cho cậu quý tử tạm lo được cho cậu chỗ ngủ và ít thức ăn. Hết tiền, không biết làm gì, chưa từng sống trong khốn khổ, Dũng không thể chịu được. Cậu về nhà quỳ xuống cầu xin bố tha thứ. Ông bố đại gia đuổi thẳng cổ anh con quý hóa vì theo ông, Dũng không thể được tha thứ nhanh như thế trong khi chưa biết “mùi đời” như thế nào.
Lần này thì quý tử đã hết sạch tiền, cũng không còn đồ gì để bán, lần đầu tiên trong cuộc đời, Dũng phải ngủ ngoài đường, bị đầu gấu do bố đại gia thuê cà khịa và cũng lần đầu tiên, Dũng kiếm được tiền. Cậu ngủ tại một khu chợ và sáng hôm sau được thuê để xách nước cho vài sạp hàng.
Tiền công đủ để mua một bát phở. Kể lại lúc ấy, Dũng nói: “Đó có lẽ là bát phở ngon nhất từ trước đến giờ tôi được ăn dù đó chỉ là một thức ăn sáng trong khu chợ tồi tàn”. Từ bỏ quãng đời công tử, Dũng bắt đầu lao động thực sự.
Người đời nói rất đúng, đói thì đầu gối phải bò, Dũng làm tất cả những công việc mà cậu được thuê, không nề hà nặng nhọc. Vốn quen được chiều chuộng nên những ngày đầu, làm những công việc chân tay khiến Dũng gần như đứt hơi và mỏi nhừ thân thể nhưng lâu dần, cậu cũng quen.
Cho đến lúc ấy, ông bố đại gia mới cho gọi con về và bắt đầu kế hoạch cho con đi du học. Bố Dũng chỉ lo cho cậu tiền học phí còn lại sinh hoạt phí cậu phải tự kiếm việc để kiếm tiền trang trải.