Thursday, 12/01/2012, 20:12 GMT+7
Bạn đang có nguyện vọng đi du học và điều bạn đang lo lắng nhất chính là buổi phỏng vấn với đại sứ quán? Đừng quá lo lắng, chúng tôi sẽ giúp bạn vượt qua những gì tưởng chừng như đang là trở ngại đối với bạn. Không ai có thể chắc chắn rằng mình sẽ được cấp visa bất chấp cảm giác hay thái độ của mình trong cuộc phỏng vấn.
Nhân viên lãnh sự chỉ cấp visa khi nào người xin visa hội đủ những điều kiện về phương diện pháp lý. Điều khá quan trọng là bạn phải tạo được ấn tượng tốt về mình trong suốt quá trình phỏng vấn vì nhân viên Phòng Lãnh sự có quyền từ chối cấp thị thực cho bạn vì “lý do cá nhân”, nói cách khác vì bạn đã không tạo được ấn tượng tốt về bản thân mình. Tuy nhiên có một vài kinh nghiệm sau đây có thể giúp bạn chứng minh bạn đủ tư cách trong cuộc phỏng vấn.
Trước hết bạn cần chuẩn bị thật kỹ hồ sơ: Bạn cần đọc kỹ các thông tin về cá nhân, thành tích học tập của bạn, kế hoạch học tập bên nước bạn định đi du học, dự định trong tương lai, chương trình học, khả năng tài chính của gia đình (bố mẹ làm gì, lương tháng bao nhiêu, có bao nhiêu sổ tiết kiệm, tổng số tiền, và các tài sản liên quan khác.)
Nên nói sự thật. Có nhiều người đủ điều kiện để được cấp visa, nhưng họ lại nói dối nhân viên lãnh sự vi họ nghĩ rằng điều đó tốt cho trường hợp của họ. Khi nhân viên lãnh sự khám phá được, họ bị cấm vào Mỹ suốt đời. Nếu những người đó nói sự thật ngay từ đầu và giải thích trường hợp của họ thì họ đã được cấp visa. Nếu bạn nghi ngờ về trường hợp của bạn thì bạn nên nói sự thật và giải thích chuyện gì đã xảy ra.
Nên trình những giấy tờ gốc và xác thực. Những giấy tờ giả có sửa đổi bị xem là gian lận và là một trong những nguyên nhân đưa đến việc bị từ chối visa. Lãnh sự quán Hoa Kỳ, với một trong những Bộ phận kiểm soát gian lận lớn nhất và tinh vi nhất, có thể khám phá những giấy tờ giả mạo và sự gian lận của bạn.
Ngoài ra khi đi phỏng vấn bạn cần chú ý một số điều sau:
+ Thời gian: bạn nên đến trước thời gian họ hẹn phỏng vấn khoảng 15 – 20 phút, như vậy bạn có thể chuẩn bị tâm lý tốt hơn, tránh bị hồi hộp, tâm lý không tốt, và điều đó cũng thể hiện được rằng bạn rất quan tâm đến cuộc phỏng vấn.
+ Trang phục: Bạn có thể mặc thoải mái, không cần quá formal để bạn cảm thấy tự tin nhất trước người phòng vấn, nhưng đừng quá lố bịch, thiếu lịch sự vì như vậy họ sẽ đánh giá rằng bạn thiếu tôn trọng người phỏng vấn.
+ Ghi điểm ngay từ giây phút đầu tiên: Khi bước vào phòng, bạn hãy thật tự nhiên chào hỏi họ, bắt tay với họ và xin được trình bày về bản thân. Bạn nên kết hợp cả ngôn ngữ nói và ngôn ngữ hình thể để họ thấy được sự tự tin của bạn. Điều này sẽ giúp bạn có ấn tượng tốt cho người phỏng vấn. Và có thể đấy là điểm nhấn để bạn có được visa đấy.
+ Trả lời ngắn gọn, trung thực: Các câu trả lời tốt nhất là những câu trả lời ngắn gọn, chính xác bao hàm tất cả các ý mà người phỏng vấn muốn biết. Để trả lời tốt, bạn nên chuẩn bị các câu hỏi ở nhà và trả lời, điều đó sẽ giúp bạn phản ứng nhanh hơn và không bị “choáng” với các câu hỏi mà họ đưa ra.
Bạn nên tránh kể chuyện đời bạn hay kể chuyện gia đình của bạn cho nhân viên lãnh sự. Thật vậy, nhận viên lãnh sự rất bận và phải phỏng vấn nhiều người trong một ngày. Họ không muốn nghe bạn kể chuyện dài dòng cho một câu hỏi ngắn. Khi họ đặt câu hỏi là họ muốn xem bạn đủ tư cách để được cấp visa theo đòi hỏi của luật di trú Hoa Kỳ hay không.
+ Giải quyết tình huống, chắc chắn hiểu câu hỏi: Khi bạn không nghe rõ hoặc không hiểu câu hỏi, bạn đừng ngại yêu cầu họ nhắc lại câu hỏi hoặc giải nghĩa câu hỏi rõ ràng hơn hay nhờ người thông dịch lại cho bạn. Nhân viên lãnh sự không muốn bạn trả lời một câu hỏi mà bạn không hiểu và họ sẽ không biết rằng bạn không hiểu câu hỏi nếu bạn không cho họ biết. Và nếu câu hỏi khó trả lời, bạn cũng đừng mất tự tin, hãy bình tĩnh đừng trả lời ngay lập tức, họ vẫn cảm thấy hài lòng nếu bạn dừng lại và suy nghĩ một chút trước khi đưa ra câu trả lời.
+ Bám vào vấn đề và trả lời thẳng vào câu hỏi: Thỉnh thoảng, nhân viên lãnh sự đặt một câu hỏi chỉ cần trả lời «Có» hay «Không». Nếu gặp một câu hỏi như vậy, bạn nên trả lời thẳng câu hỏi thay vì trả lời vòng quanh không nhắm vào câu hỏi đặt ra. Nói một cách khác, bạn nên trả lời ngắn gọn, nhưng nhắm vào suy tư của nhân viên lãnh sự và thỏa mãn quan tâm của họ. Dĩ nhiên là nếu gặp một câu hỏi cần sự giải thích thì bạn giải thích cho họ, nhưng đi thẳng vào vấn đề.
+ Nghe hết câu hỏi của nhân viên lãnh sự trước khi trả lời. Thật vậy, nếu bạn trả lời trước khi nhân viên lãnh sự dứt lời thì có khi bạn không trả lời đúng câu hỏi mà họ đặt, và thay vì làm cho cuộc phỏng vấn được mau kết thúc, bạn lại làm kéo dài cuộc phỏng vấn.
+ Không nên đoán câu hỏi. Nếu bạn không biết trả lời câu hỏi, hay bạn không nhớ thì bạn cho nhân viên lãnh sự biết. Họ không muốn bạn đoán nếu bạn không biết.
+ Cuối cùng đừng nên quên nói “Thank you” khi bạn kết thúc buổi phỏng vấn. Nếu có thể, khi bạn bạn hãy viết email gửi lời cảm ơn, có thể trình bày thêm về bản thân mình, ước mơ đi du học và giải thích thêm những gì bạn chưa nói hết được trong buổi phỏng vấn.
Hãy bình tĩnh, tự tin, ăn mặc gọn gàng, chỉnh tề, khi trả lời câu hỏi nên nhìn thẳng vào mắt người phỏng vấn và luôn mỉm cười. Câu trả lời phải ngắn gọn, thành thật và đi đúng hướng, không trả lời lan man. Chúc các bạn may mắn!