Sunday, 15/04/2012, 19:52 GMT+7
Châu Á đang có xu hướng “iPad hóa” trong môi trường giáo dục, mục đích muốn thay thế những dụng cụ truyền thống như sách, vở và bút viết, theo AFP. iPad của Apple đang tạo nên cuộc cách mạng số cho môi trường giáo dục ở châu Á
iPad hóa môi trường giáo dục
Châu Á đang có xu hướng “iPad hóa” trong môi trường giáo dục, mục đích muốn thay thế những dụng cụ truyền thống như sách, vở và bút viết, theo AFP.
iPad của Apple đang tạo nên cuộc cách mạng số cho môi trường giáo dục ở châu Á, đặc biệt là các nước có nền kinh tế phát triển, giúp học sinh tiếp nhận kiến thức tốt hơn từ giáo viên và tiếp cận kho tàng thông tin trên internet dễ dàng hơn.
“Em thích iPad bởi nó gọn nhẹ và dễ xách tay, chúng em không phải mang theo quá nhiều sách và tài liệu liên quan”, cô bé Nicole Ong, 13 tuổi học Trường phổ thông nữ sinh Nanyang (Singapore) cho biết.
Singapore đang thử nghiệm việc học bằng iPad với 120 học sinh cùng 16 giáo viên tại trường phổ thông nữ sinh Nanyangvới chi phí hơn 100.000 USD. Dự kiến dự án này sẽ triển khai cho toàn trường trong năm 2013.
Bộ truyền thông Nhật Bản cũng đang thực hiện một dự án tương tự có tên "Ngôi trường tương lai" thông qua việc cấp hơn 3.000 iPad cho 10 trường tiểu học và trang bị cả bảng đen điện tử có thể tương tác được.
Trong khi đó tại Hàn Quốc, Bộ Giáo dục của nước này đã triển khai thí điểm sách điện tử cho một số trường từ năm 2007. Dự kiến đến năm 2012, bộ này sẽ quyết định có nên cung cấp máy tính bảng cho toàn hệ thống trường học thuộc xứ sở kim chi hay không.
Tuy nhiên, vấn đề dùng iPad thay cho dụng cụ truyền thống đang được cân nhắc do một số học sinh dễ bị phân tâm khi dùng iPad cho mục đích khác như chơi game, truy cập vào các mạng xã hội Facebook, Twitter…
Với mục đích giúp học sinh thoát khỏi những chiếc cặp sách nặng nề, một số trường học tại Trung Quốc sắp đưa ra phương pháp mới, cho phép học sinh mang iPad đến lớp học.
Học sinh tại các trường thuộc thành phố Nam Kinh và tỉnh Giang tô (Trung Quốc) sẽ được trải nghiệm với cách học mới: sử dụng iPad thay thế cặp sách.
Ông Tân Quý Hoa, phó chủ nhiệm ban quốc tế thuộc trường trung học Kim Linh cho biết, việc sử dụng iPad giúp học sinh thoát khỏi gánh nặng của những chiếc cặp sách. Nó cũng thúc đẩy sự tương tác giữa học sinh và giáo viên vì giáo viên có thể đưa ra các câu hỏi thông qua thiết bị, đồng thời kiểm tra câu trả lời của học sinh ngay lập tức.
Ông Tân cho biết thêm, iPad tạo cho học sinh cơ hội tiếp cận với nhiều nguồn thông tin về giáo dục nước ngoài, góp phần giúp học sinh mở rộng kiến thức để chuẩn bị cho các kỳ thi như SAT, TOFEL và AP. Thêm vào đó, các trường học có thể giảm những khoản chi phí vào công tác chuẩn bị tài liệu dạy học.
Biện pháp này được rất nhiều bạn trẻ Trung Quốc ủng hộ. Trên trang web Sina Weibo, một blogger có nickname “secret can not told”, bình luận: “tôi rất ghen tị. Tôi cũng có iPad, nhưng tôi không được phép mang đến lớp học”.
Tuy nhiên, nhiều người tỏ ra nghi ngờ về hiệu quả mà cuộc cải cách này mang lại. Họ lo ngại học sinh sẽ dùng iPad để chơi trò chơi hơn để học.
“Giáo viên có thể ngăn chặn học sinh cài đặt trò chơi vào thiết bị thông qua việc kiểm soát về mặt kỹ thuật tất cả các iPad trong lớp học”, giáo viên Mạnh Quân cho biết.
Với nỗ lực giảm bớt gánh nặng cho học sinh tiểu học và trung học tại Trung Quốc, chính quyền tại một số địa phương gần đây đang mở rộng chương trình sử dụng cặp điện tử -một thuật ngữ chỉ các thiết bị di động như máy tính bảng, laptop.
Tuy nhiên, giáo sư Ấn Phi thuộc trường đại học Nam Kinh cho rằng: “việc giới thiệu những thiết bị điện tử có thể giúp giảm gánh nặng cho học sinh nhưng gánh nặng trên vai các em không xuất phát từ trọng lượng của những chiếc cặp mà ở chính hệ thống giáo dục”.