Sunday, 15/04/2012, 19:46 GMT+7
Ở Mỹ không có danh hiệu “sinh viên 3 tốt”, nhưng có một chàng du học sinh người Việt Nam đã và đang phấn đấu không ngừng để hướng đến sự hoàn thiện đó.
Học giỏi toàn diện bằng một niềm say mê tuyệt đối, nhiệt tình tham gia hoạt động phong trào, luôn rèn luyện nhân cách và rất khiêm tốn khi nói về bản thân mình, đó là bản phác thảo về cậu Phạm Lưu Quang Thạch - 19 tuổi, sinh viên năm 2
Thành tích học tập của Thạch khá “khủng”, chắc phải có một “động lực” nào đó thúc đẩy?
- Với mình, học tập được xem là bước đệm và là con đường ngắn nhất để hoàn thành ước mơ. Điểm khác biệt của mình là ở chỗ xem việc học tập là hạnh phúc và niềm vui. Đồng thời, cứ nghĩ đến việc ba mẹ cố gắng tạo mọi điều kiện cho mình được du học là cảm thấy bản thân cần phải phấn đấu hơn nữa. Ở Việt Nam, mình muốn gì cũng được. Nhưng khi sang Mỹ, mọi thứ khác hẳn. Những quyển sách, tài liệu… đắt đỏ hơn rất nhiều, nên mình phải toàn mua sách cũ hoặc thuê để học.
- Bạn có thể chia sẻ phương pháp học tập của mình với mọi người?
- Mình luôn đặt câu hỏi cho bản thân là: “Tại sao mình phải học?”. Chẳng hạn như học Lý để làm gì, trong khi sau này đi làm sẽ không dùng… Nhưng học Lý sẽ giúp phát triển khả năng phân tích, củng cố vấn đề. Hãy tạo lí do để mình học một môn nào đó, từ đấy sẽ có hứng thú và động lực. Sau khi đã xác định được câu trả lời thì tùy vào mỗi môn sẽ có những cách học khác nhau. Có những môn chỉ cần làm bài đầy đủ là được, có những môn nên thu âm lại để về nhà nghe và phân tích kĩ hơn. Nếu cần, phải đi gặp giáo viên để trao đổi thêm.
Được biết, tháng 6 năm ngoái là lần đầu tiên bạn về Việt Nam sau 3 năm du học, cảm xúc của bạn khi về Việt Nam và bạn đã có được những trải nghiệm thú vị gì sau 3 tháng về thăm nhà?
- Hãy thử đi chơi 1 tuần thôi, bạn cũng đã thấy nhớ và muốn về nhà lắm rồi. Ở xa nhà nửa vòng trái đất trong 3 năm, ắt bạn hiểu, cảm xúc sẽ khó tả lắm. Về Việt Nam, ngày nào mình cũng khá bận rộn và hoạt động có ích: đi thăm gia đình, bạn bè cũ, họp mặt các bạn thân, làm những việc mà ở Mỹ chưa làm được, đi du lịch, khám phá, trải nghiệm, và tất nhiên không quên việc tham gia các hoạt động xã hội và làm từ thiện. Mình cũng học xong một khóa “Tôi tài giỏi” tại Việt Nam, qua đó hiểu thêm về con người mình và làm quen được khá nhiều người bạn thú vị có nhiều điểm tương đồng về tính cách, sở thích.
- Những bạn học giỏi thường ít tham gia các hoạt động xã hội và ngược lại. Thạch nghĩ sao về quan niệm này?
- Tùy vào cách người ta định nghĩa học giỏi là thế nào. Nếu người ta định nghĩa nó dựa vào điểm số, thì một người lúc nào cũng muốn đạt điểm 10 trong mọi bài kiểm tra đương nhiên sẽ không có thời gian tham gia các hoạt động xã hội rồi. Nhưng khi ấy, họ sẽ chỉ giỏi trên phương diện điểm số thôi. Còn về các kĩ năng khác, như kĩ năng giao tiếp, ứng xử… thì họ sẽ không bằng những người tham gia hoạt động xã hội. Người xưa có câu: “Đi một ngày đàng học một sàng khôn”. Những người hay tham gia hoạt động xã hội sẽ học được cái “khôn” mà những người ít tham gia không có được.
Bên cạnh việc tích cực tham gia các hoạt động xã hội, Thạch thường làm gì vào thời gian rảnh của mình?
- Xem tennis. Mình rất hâm mộ Federer. Mình còn hay làm thơ và làm cũng “khá ổn” đấy. Ngoài ra, mình luôn ưu tiên chăm sóc sức khỏe. Mình luôn chú trọng đến thành phần dinh dưỡng trong những món mình ăn và luôn tập thể dục đều đặn. Có sức khỏe tốt mới có thể học tập tốt và làm những việc mình thích.
- Bạn có đam mê nào khác ngoài học tập không?
- Tìm hiểu về các kĩ năng sống mà mà môi trường hoc tập không mang lại. Những lúc rảnh rỗi, mình luôn tìm kiếm trên mạng những diễn giả hàng đầu thế giới như Athonny Robbins, Brian Tracy để nghe những chia sẻ từ họ: cách để đạt được những mục tiêu, cách hướng tới thành công, cách quản lí thời gian… để dung hòa những tri thức của trường lớp và trí thức của trường đời, qua đó, tạo nên 1 bệ phóng vững vàng hướng đến những mục tiêu trong tương lai. Mình cũng rất thích được đi nhiều nơi và khám phá nhiều chỗ. Sắp tới mình phải chuyển sang học một trường khác. Đang có ý định chọn một trường nào đó xa trường cũ một chút để được sống ở nhiều vùng khác nhau ở nước Mỹ (cười).
- Ước mơ của Thạch là gì?
- Một ngày nào đó có thể nói và diễn đạt tiếng Anh một cách thuần thục để qua đó có thể sẵn sàng bước vào 1 sân chơi toàn cầu, mở một trại trẻ mồ côi và lập một quỹ từ thiện. Đó là ước mơ chưa hề đổi dời của mình từ đó tới giờ.