Thursday, 19/04/2012, 20:07 GMT+7
Cuộc sống trên đất Mỹ không hề dễ dàng nhưng thành công sẽ đến với những người biết cố gắng.
Qua các bài viết về cuộc sống trên đất Mỹ của nhiều tác giả với nhiều ý kiến trái ngược, tôi cũng xin đóng góp một bài viết về cuộc sống và kinh nghiệm thực của bản thân tôi qua 10 năm sinh sống, học tập và làm việc ở Mỹ.
Tháng 2/2001, tôi đến Mỹ để bắt đầu một cuộc sống mới sau khi kết thúc năm đầu tiên đại học, hành trang chẳng có gì ngoài vốn liếng tiếng Anh lớp 12, nhưng tôi không bi quan vì tôi biết tôi có một vũ khí lợi hại, đó là tiềm năng và nhiệt huyết của tuổi trẻ.
Khó khăn đầu tiên ập đến ngay sau khi bước ra khỏi sân bay Mỹ, một luồng không khí lạnh -3 độ C giữa tháng hai thổi đến tới tấp, trong khi mới cách đó 24h, tôi còn đang ngập trong ánh nắng chan hòa 25 độ C của TP. HCM. Luồng gió như một lời cảnh báo sớm, cuộc sống nơi đây chẳng dễ dàng chút nào, quần áo lạnh sắm từ Việt Nam không chịu nổi, lạnh run người, tê tái. Tôi tự nhủ thầm, mặc kệ, cùng lắm thì uống thuốc, không chết đâu mà lo.
Năm đầu ở Mỹ, khó khăn mọi bề, khó nhất là ngôn ngữ, đi đâu, làm gì cũng phải có người kèm theo. Tôi đã rất sớm nhận ra một điều, ngôn ngữ đóng vai trò vô cùng vô cùng to lớn trong cuộc sống sau này, nếu muốn có một địa vị xã hội tốt ở Mỹ, tôi phải giỏi tiếng Anh. Phải giỏi, chứ không phải học cho đủ dùng, học cho đủ sống. Tôi cũng không chấp nhận thứ tiếng Anh “bồi”, sai ngữ pháp.
Năm đầu tiên, tôi theo học chương trình GED (tương đương PTTH dành cho học sinh quá tuổi chính quy), đặc biệt học cùng lúc 3 lớp ESL (English as Second Language). Thời gian còn lại, tôi lang thang trong thư viện, mượn những quyển sách truyện có chữ và băng audio kèm theo (lọai dành cho những bé 3-4 tuổi tập đọc, nên audio rất chậm và rõ), mang theo lên xe điện ngầm và nghe trên đường đi học mỗi ngày, có người xung quanh nhìn mình cười tủm tỉm, kệ.
Tôi rất thích xem tivi, ở đây có rất nhiều chương trình truyền hình thực tế, vừa hài hước vui nhộn, vừa phác thảo chân thật cuộc sống gia đình tiêu biểu ở Mỹ, vừa dạy tôi rất nhiều từ lóng không có trong sách vở, những thứ này giúp tôi hội nhập xã hội mới dễ dàng hơn rất nhiều.
Năm 2002, lần đầu tiên trong đời tôi làm ra đồng tiền. Sau năm đầu học ngôn ngữ (tôi rất cảm ơn ba mẹ tôi đã tằn tiện hết mọi chi phí cuộc sống để dành cho tôi năm đầu quan trọng này), tôi bắt đầu có khả năng khám phá xã hội Mỹ, tôi quyết định kiếm một việc làm bán thời gian và có trong tay hai sự lựa chọn. Một là đi làm móng (nail) và hai là làm bồi bàn ở nhà hàng Việt.
Thời điểm năm 2002, làm nail có thể kiếm được 80$/ngày so với 50$/ngày ở nhà hàng. Đến tận bây giờ, tôi không một chút hối tiếc vì đã chọn nhà hàng. Tôi muốn khuyên các bạn trẻ làm việc bán thời gian rằng, hãy luôn luôn coi công việc part time là một cơ hội mở rộng tầm nhìn, tiếp xúc với nhiều tầng lớp xã hội và học hỏi để tăng thêm hiểu biết, chứ đừng xem việc part time lúc còn đi học là một công cụ kiếm tiền, vì rất nhiều khả năng đồng tiền kiếm được trước mắt sẽ khóa chặt bạn với công việc đó mãi mãi và bạn sẽ mất đi nhiều lựa chọn triển vọng khác.
Tôi đã có rất nhiều bạn bè từ công việc bồi bàn, có người hướng dẫn tôi nhiều thứ cần thiết trong cuộc sống, có người chỉnh lại cách phát âm tiếng Anh chưa đúng, có người giới thiệu cho tôi một số cơ hội việc làm khác, thậm chí tôi còn quen bạn gái trong thời gian làm ở quán phở này nữa.
Năm 2003, tôi học đại học. Ở Mỹ có trường công trường tư, và học phí cũng một trời một vực, trường công thì chỉ khoảng 5.000$/năm học phí, còn trường tư thì gấp 10 lần con số đó. Tôi không muốn viết nhiều về các trường và chương trình học, tôi chỉ muốn nhấn mạnh với các bạn trẻ một số điều:
1. Hãy suy nghĩ và tìm hiểu thật kỹ càng trước khi chọn một ngành học, chọn sai và chuyển sang ngành học khác tốn rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc của bạn (cứ tính đơn giản, bạn ra trường muộn một năm là mất đi 50.000$ tiền lương của năm đó).
2. Nếu bạn quyết định đầu tư một lượng tiền lớn để học tập, hãy chắc chắn rằng tấm bằng của ngành học đó là tối cần thiết cho công việc sau này. Lấy ví dụ, nếu bạn muốn thành bác sĩ hay luật sư, bạn chắc chắn phải có bằng tốt nghiệp trường y hay trường luật, nhưng nếu bạn muốn thành kỹ sư CNTT, bạn không nhất thiết phải có bằng 4 năm đại học, vì ngành này đòi hỏi kiến thức cập nhật và kinh nghiệm thực tiễn. (Dạo trước tôi đọc báo, có người đóng hết 80.000$ học phí theo học ngành sức khỏe cộng đồng, rồi tốt nghiệp không kiếm được việc làm, quay lại kiện nhà trường, không hiểu nổi).
3. Điều cuối cùng nhưng cực kỳ quan trọng tôi muốn nhắc các bạn sinh viên mới ở Mỹ, ở đây mượn tiền học rất dễ dàng (student loan), lãi suất thấp và thời gian chi trả không giới hạn. Có điều, nếu bạn lạm dụng student loan, nhiều khả năng bạn phải trả nợ suốt đời. Tôi có người họ hàng mới tốt nghiệp bác sĩ, biết rằng lương cao, nhưng nợ tới 150.000$ tiền học, tôi tự hỏi dù là bác sĩ, nhưng không biết khi nào mới trả hết.
Năm 2004, đây là một năm buồn của tôi với tai nạn giao thông. Tôi sống ở một bang mà phương tiện giao thông công cộng rất tiện lợi, nên mãi 3 năm sau khi đến Mỹ, tôi mới có bằng lái và mua chiếc Toyota Camry 1993. Nhưng chỉ một tháng sau khi có xe, tôi gặp tai nạn. Tôi không sao, nhưng chiếc xe thì nát bét. Việc này dẫn tới một vụ kiện tụng dân sự kéo dài tới 5 năm sau đó.
Tôi muốn cho các bạn biết rằng có một thực tế ở Mỹ, xe cộ là một thứ phức tạp và nhạy cảm ở Mỹ, xin các bạn mới ở Mỹ đừng bao giờ mượn xe người khác, mấy chú bác ở đây có người còn đùa rằng mượn vợ còn được chứ mượn xe thì không bao giờ. Lý do là chiếc xe liên quan trực tiếp tới hồ sơ pháp lý cá nhân, tín dụng, bảo hiểm, tài sản, trách nhiệm hình sự và nhiều khía cạnh khác nữa. Vụ đụng xe này để lại hậu quả thê thảm tôi phải gánh chịu nhiều năm sau đó mà tôi không muốn kể ra.
Năm 2006, lần đầu tiên trong đời, tôi thắt cà-vạt, mặc vest đi làm. Tôi nhận được việc làm thông qua một công ty môi giới (staffing company). Thật ngốc ngếch, đến nơi làm việc tôi mới biết mình là kỹ thuật viên máy tính, đến để tháo rời những bộ máy vi tính vì công ty này đang chuẩn bị chuyển văn phòng đi nơi khác, công việc đòi hỏi chui xuống gầm bàn và rất bụi bậm.
Phải nói là tôi thất vọng tràn trề và xấu hổ khủng khiếp. Những người làm ở đó đều mặc áo ngắn tay, quần jean và cười tôi trong bộ đồ vest không phù hợp tí nào. Tôi đã mất hơn 15 phút đứng trong toilet để định thần lại, rất muốn bỏ về, nhưng cuối cùng tôi lại tự nói với mình: Vạn sự khởi đầu nan!
Năm 2007, mọi người đều có một cơ hội lớn trong đời, tôi tin điều này. Cơ hội của tôi đến vào tháng 4/2007 khi tôi nhận được cú điện thọai lạ gọi tôi đi phỏng vấn ở một công ty máy tính Nhật Bản, nơi tôi làm việc hai năm sau đó.
Nhưng tôi muốn nói với các bạn rằng, những kiến thức hàng ngày, những phép giao tiếp, những kinh nghiệm nho nhỏ góp nhặt được từ những lần đi tháo lắp máy tính, sửa chữa máy in, cộng với khả năng ngôn ngữ được rèn dũa cẩn thận đã góp phần to lớn giúp tôi chiến thắng đợt tuyển dụng này.
Như Steve Job đã nói, kết nối những sự kiện, khi đã nhận được công việc CNTT yêu thích, tôi mới thấy được tầm quan trọng lớn lao trong việc định hướng và những quyết định của tôi trong quá khứ để tôi có được ngày hôm nay. Ở đất Mỹ, đừng e ngại tốn công phí sức, những việc bạn đang làm, đang học hiện giờ, một lúc nào đó sẽ quay lại đền đáp bạn xứng đáng.
Năm 2009, sau 8 năm ròng rã học tập và làm việc, tôi đã đủ vững vàng để suy nghĩ như một người Mỹ bản xứ. Và hãy tin tôi, tất cả những bạn trẻ đến Mỹ qua năm thứ 6 thì bắt đầu đạt được thành tựu.
Tôi nghiệm ra rằng, tôi không thể kiếm được nhiều tiền nhờ vào việc tăng lương 5% mỗi năm, vì vậy, tôi chọn cách nhảy việc. Đây là con dao hai lưỡi nhưng tôi đã thành công trong việc áp dụng nó theo chiều hướng có lợi cho mình. Tính đến hiện nay, tôi đã làm ở hơn 10 công ty khác nhau và mức lương của tôi đã gấp 3 lần công việc năm 2007.
Tôi xin giữ lại những chi tiết cho riêng mình, tôi chỉ muốn nêu lên một tôn chỉ quan trọng, được tôi xem như kim chỉ nam trong sự nghiệp, đó là dù trong môi trường làm việc nào, công ty lớn hay nhỏ, bằng cách này hay cách khác, tôi phải nổi bật giữa đám đông, chính nhu cầu này là động lực cho tôi vươn lên những tầm cao mới.
Ví dụ, tôi từng từ bỏ công việc kỹ sư mạng ở Cisco Systems chỉ sau 4 tháng để đến làm việc cho một công ty nhỏ với chỉ 10 kỹ thuật viên, lý do là có quá nhiều sự cạnh tranh ở Cisco, những cơ hội học tập, cơ hội tiếp xúc thực tiễn, cơ hội thăng tiến đều bị đồng nghiệp giành giật không ngừng nghĩ. Ở Cisco, tôi là một kẻ vô danh, không ai biết tới.
Tôi quyết định chuyển về công ty khác nhỏ hơn nhiều, nơi tôi được phong là “chuyên gia an ninh mạng”, tôi lấy hết mọi cơ hội cọ xát thực tế, cái gì không biết thì Google hoặc liên hệ hãng sản xuất để được hỗ trợ. Chỉ trong vòng một năm, trình độ tay nghề của tôi tăng đến mức chóng mặt và tôi lại nhận được nhiều cơ hội việc làm khác ở tầm cao hơn nữa.
Tôi xin dừng ở đây, kết thúc câu chuyện 10 năm qua. Tôi hy vọng những kinh nghiệm này của tôi sẽ cung cấp những thông tin bổ ích, đặc biệt cho cho những bạn trẻ đang có ý định đặt chân đến Mỹ.