1. Tổng quan về hệ thống giáo dục của Đức
Đã từ lâu, hệ thống giáo dục của Đức nổi tiếng với sự sàng lọc rất khe khắt. Từ giai đoạn phổ thông trung học, học sinh đã được định hướng nghề nghiệp và chỉ có những học sinh khá giỏi sau khi hoàn thành tốt 13 năm học trung học, học sinh mới được tiếp tục theo học tại các trường Đại học.
Nền giáo dục của Đức được xem là nền giáo dục mang tính cách thực tiễn, lý thuyết và thực hành luôn được xem quan trọng như nhau. Tại Đức, nghành giáo dục không mang tính cách tập trung, tức mỗi tiểu bang có quyền quyết định về mô hình hệ thống giáo dục. Các bộ văn hoá của 16 tiểu bang có thống nhất về hệ thống giáo dục cơ bản, nhưng vẫn có sự khác nhau giữa các trường và sự đào tạo tại những tiểu bang khác nhau, do quyền hành chính tự lập và truyền thống văn hoá của từng vùng.
Hệ thống giáo dục của Đức là một hệ thống đào tạo chất lượng cao hiện đại gắn với thực tiễn. Với nguyên tắc cơ bản là khuyến khích tiềm lực từ người học, các trường Đại học ở Đức luôn hướng tới mở rộng quan hệ hợp tác, tăng các chương trình học trao đổi, chương trình đào tạo Quốc tế nhằm tạo danh tiếng và nâng giá trị văn bằng tốt nghiệp. Nhờ đó các chương trình đào tạo ở Đức rất phong phú, đa dạng và rất cởi mở.
2. Các hệ thống giáo dục ở Đức
Hệ thống giáo dục của Đức được xây dựng theo hai loại hình đào tạo, đó là hệ thống các trường đại học tổng hợp và các trường đại học khoa học ứng dụng.
· Hệ thống các trường đại học tổng hợp (Uni, TU)
Với các chương trình giảng dạy luôn phải được tuân thủ và định hướng theo nghiên cứu dựa trên nguyên tắc duy nhất: “Sự thống nhất trong nghiên cứu và giảng dạy”. Hệ thống những trường này luôn đóng vai trò nòng cốt trong giáo dục đại học Đức từ trước đến nay.
· Hệ thống các trường đại học khoa học ứng dụng (FH)
Chương trình đào tạo định hướng thực tiễn, chuyên sâu vào kiến thức nghề nghiệp và kỹ năng chuyên môn. Các chương trình đào tạo luôn được tổ chức, sắp xếp chặt chẽ nên thời gian học tập được rút ngắn hơn (thông thường là 4 năm). Đặc biệt sinh viên của các trường thực hành có thể dễ dàng xin việc sau khi tốt nghiệp vì phần lớn các doanh nghiệp Đức cũng như doanh nghiệp Việt Nam đều muốn tuyển dụng những nhân viên có tay nghề và thực hành giỏi.
3. Ngành học
Bất kể là bạn muốn học ngành học nào; cơ khí, kỹ thuật, kinh tế hay các ngành khoa học vật liệu mới, khoa học xã hội hay kiến trúc, hội họa..v.v, các trường Đại học ở Đức luôn sẵn sàng tiếp nhận bạn. Ngoài ra, tại các trường Đại học của Đức, có rất nhiều các chuyên khoa mới được mở ra các môn khoa học liên ngành như Tin học kinh tế; Kinh tế xây dựng, kinh tế bất động sản, công nghệ sinh học..v.v. Các môn học này đang thu hút rất nhiều sinh viên đến từ các nước trên Thế Giới trong đó có cả các sinh viên thuộc khối châu Âu.
Tất cả các ngành học ở đây đều được đào tạo rất bài bản và có kế hoạch rất rõ ràng. Đặc biệt, các trường ĐH ở đây còn hợp tác với nhiều trường ĐH trên Thế giới, cùng liên kết tổ chức các khóa học bằng tiếng Anh. Các khóa học được tổ chức 1 hoặc 2 kỳ tại Đức, 1 hoặc 2 kỳ ở nước ngoài (Anh, Mỹ, Hà Lan…v.v).
|